Với đặc thù thổ nhưỡng phù hợp cho cây sắn dây phát triển, củ to nhiều bột, dễ trồng, không tốn chi phí nên sắn dây đã trở thành cây trồng truyền thống của hầu hết các hộ dân ở xã Ngọc Liên, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ của khách ngày càng cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương. Do đó, chính quyền xã xác định, đây là một trong những cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển để trở thành sản phẩm OCOP của huyện.
Bột sắn dây Hương Quê được công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2021. Để có thành phẩm bột sắn dây đạt chất lượng tốt nhất, quy trình và thiết bị sản xuất luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước lọc bột sắn là nguồn nước sạch để tránh bụi bẩn làm giảm chất lượng và hình thức sản phẩm. Sắn lựa chọn để làm bột là sắn dây ta còn tươi, loại củ to vừa, nạc (đây là loại củ cho chất lượng tinh bột cao). Củ được cạo vỏ, tước xơ, rửa sạch, để ráo nước, sau đó được nghiền và lọc tinh qua nhiều lần lọc với lớp vải dày để lấy tinh chất. Sau khi đã có lượng bột tinh chất, nước sẽ được thay mỗi ngày từ một đến hai lần để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn tạp chất, đến khi nào thấy tinh bột lắng đọng xuống sẽ chắt hết nước trong đi và lấy phần bột lắng đọng lại sau đó đem bột phơi khô. Bột sắn dây màu trắng có hình dạng là từng viên to, nhỏ, sắc cạnh và khô, khi sờ tay vào thấy mịn, khi dùng có mùi thơm mát đặc trưng của sắn dây. Bột sắn dây có nhiều công dụng như cải thiện sức khỏe đường ruột, hỗ trợ quá trình trao đổi chất cơ thể, hỗ trợ giảm cân và đặc biệt giải nhiệt cơ thể vào mùa hè rất tốt.