Bánh gai Bảy Quyên
(Sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hoá)
Nói đến Thọ Xuân là nói đến mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của khí thiêng hội tụ, là nơi sơn thủy hữu tình với nhiều đặc sản nổi tiếng. Ai đã từng một lần đến Thọ Xuân hẳn không thể bỏ qua món bánh gai – một món quà quê dân dã, quen thuộc, một đặc sản nổi tiếng của Thọ Xuân.
Gia đình anh Nguyễn Đình Bảy là gia đình có truyền thống làm bánh gai từ rất lâu, với hương vị thơm ngon, đặc trưng. Người dân trong vùng quen gọi là bánh gai Bảy Quyên. Lâu dần, cái tên ấy đã thành thương hiệu của sản phẩm.
Bánh gai Bảy Quyên được làm dạng hình vuông được gói bằng lá chuối, vỏ bánh gai màu đen, hương vị thơm, ngậy, ngọt ngào. Ngày xưa bánh gai chỉ được làm ở các dịp lễ tết, dùng thắp hương gia tiên còn bây giờ bánh gai được làm quanh năm dùng vào tất cả các dịp lễ hội phổ biến như trong các lễ ăn hỏi, lễ cưới cho nhân dân trên địa bàn và các vùng phụ cận. Ngoài ra nó còn là món quà tặng ý nghĩa cho du khách gần xa.
Có thể nói điểm tạo ra sự khác biệt và ấn tượng của bánh gai Bảy Quyên là nhờ bí quyết gia truyền của cơ sở, đặc biệt là do làm tốt một trong những khâu quan trọng trong quá trình làm bánh. Khâu lựa chọn các nguyên liệu làm bánh, nguyên liệu làm bánh gai khá dễ tìm, tuy nhiên khâu chuẩn bị lại vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Gạo nếp được lựa chọn là loại nếp ngon, đậu xanh đãi vỏ sạch, hấp đến khi chín và giã nhỏ. Mật mía được chọn là loại ngon nhất vùng, dừa nạo thành sợi. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu đó là lá gai, phải là loại vừa tới không được quá non hay quá già.. Bánh gai bảy quyên không cầu kỳ hoa mỹ về hình thức, không nâng quá “cấp độ” màu, mùi, vị trong nhân bánh, nhưng món ăn được nhào nặn nên từ các sản vật của đất đai, cây cỏ, sông nước nơi đây đã đi khắp mọi miền của tổ quốc, để lại trong lòng thực khách nỗi nhớ nhung về một vùng quê yêu người mến khách, được hòa quyện trong vị thơm ngon của bánh gai. Sợi lạt hồng buộc lớp lá chuối nâu, như gói lại tâm tình của người xứ Thanh, trước khi trao đến tay thực khách. Bóc từng lớp lá bánh, người ăn cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu.
Để làm ra chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn người làm ra nó phải rất kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận đó đã làm nên một sản phẩm tưởng như rất giản đơn nhưng thực sự lại rất cầu kỳ, gói ghém trong đó rất nhiều năng lượng, tinh túy và tâm tình của cơ sở gửi gắm vào trong những chiếc bánh.
Chủ thể: Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Bảy
Đại diện: Nguyễn Đình Bảy
Địa chỉ: Khu phố 3, Thị Trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0946.846.345
Giá bán: 60.000đồng/10 cái bánh
Bánh gai sau khi gói có hạn sử dụng 05 ngày kể từ ngày sản xuất, nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể sử dụng được 07 ngày(khi ăn thì đem hấp nóng khoảng 30-40 phút). Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Quy trình sản xuất:
Bước 1: Thu mua, chọn lựa nguyên liệu (gạo nếp, đậu xanh, dừa, lá gai, lá chuối, mật mía).
Bước 2: Làm sạch các nguyên liệu. .
Bước 3: Công đoạn làm vỏ bánh: Trộn bột theo tỉ lệ chuẩn xác, Bột gạo nếp và bột lá gai sẽ được trộn với mật mía để làm vỏ bánh. Bột trộn càng kỹ, vắt càng lâu thì bánh sẽ càng dẻo, thơm ngon.
Bước 4: Công đoạn làm nhân bánh: Đỗ xanh sau khi giã nhuyễn sẽ được trộn cùng mật mía và dừa nạo
Bước 5: Gói bánh: Bột bánh sẽ được dàn mỏng, đặt nhân vào giữa sau đó cho bánh vào lò hấp. Bánh chín lấy ra và bọc kín bằng 6-7 lớp lá chuối, buộc lạt dán tem mác đưa ra thị trường.