Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn. Đồng thời, đây cũng là vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội, có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, liên quan tới phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đồng thời ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập. Bởi vậy, các sở, ngành cấp tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp phát triển chuỗi cung ứng TPAT.
Hình ảnh: Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại huyện Nga Sơn
Theo báo cáo của huyện Nga Sơn, để thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng TPAT, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, huyện đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện cho đội ngũ cán bộ phụ trách cấp xã, thị trấn về công tác quản lý an toàn thực phẩm; chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất TPAT. Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, huyện, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tổ chức kết nối cung - cầu giữa các HTX với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Đến nay, huyện đã xây dựng được 14 chuỗi cung ứng TPAT. Trong đó, có 4 chuỗi lúa gạo tại các xã Nga Văn, Nga Phượng, Nga Thắng, Nga Vịnh; 5 chuỗi cung ứng rau quả tại Nga An, Nga Thành, Nga Trung, Nga Yên, Nga Thiện; 2 chuỗi thịt gia súc, gia cầm tại Nga Phú, Nga Giáp; 3 chuỗi thủy sản tại Nga Tiến, Nga Bạch, Nga Tân. Tổng khối lượng TPAT được cung ứng ra thị trường mỗi năm của huyện đạt khoảng 25.000 tấn các loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn huyện và cung ứng thêm cho thị trường ngoài huyện.
Tại huyện Vĩnh Lộc, việc phát triển chuỗi cung ứng TPAT được huyện thực hiện thông qua các giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và người dân. Huyện đã rà soát, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để doanh nghiệp và người dân thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa cũng như quyền lợi chính đáng giữa doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, miễn thuế năm đầu tiên... Chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, để các chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng TPAT. Các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Hiện, huyện đã phát triển được 35 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 14 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn, 13 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, 5 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn và 3 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản an toàn.
Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 chuỗi TPAT, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng TPAT bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Việc xây dựng chuỗi cung ứng TPAT cần thiết lập được chuỗi các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn. Đây là việc thực hiện liên hoàn các mắt xích, trong đó mỗi mắt xích là một cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm, các cơ sở đều phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Các cơ quan chức năng sẽ tổ chức giám sát, lấy mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để thực hiện được điều đó, trước hết phải xây dựng được các mối liên kết ngang và liên kết dọc. Liên kết ngang là tại mỗi mắt xích phải tập hợp được một số cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm, bảo đảm cung cấp cho thị trường một cách liên tục. Liên kết dọc là liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Để đảm bảo tính ổn định cho các mối liên kết dọc, phải có sự phối hợp giữa các ngành liên quan. Về phía Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, đơn vị sẽ tập trung cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và thường xuyên giám sát chất lượng.