Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, 34 phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa đã được công nhận phường, xã ATTP.
Lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa trao giấy khen cho các tập thể
đạt thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để hoàn thành các tiêu chí phường ATTP, phường Nam Ngạn đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo quản lý vệ sinh ATTP, thành lập, kiện toàn tổ giám sát cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các điều kiện bắt buộc đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm..., góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân SXKD và người tiêu dùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP cũng được tăng cường. Sau 3 năm thực hiện, 43 cơ sở SXKD thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trên địa bàn phường đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định; 3 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ tuân thủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP trước khi lưu thông trên thị trường; 16/16 nội dung, tiêu chí phường ATTP cũng hoàn thành. Phường Nam Ngạn được công nhận phường ATTP năm 2019. Đến nay, phường vẫn đang duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
TP Thanh Hóa là một trong số ít đơn vị huyện, thị xã, thành phố có 100% số phường, xã trên địa bàn đạt tiêu chí ATTP. Đạt được kết quả này, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, thành phố đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo quản lý vệ sinh ATTP do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, thành lập văn phòng điều phối do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm chánh văn phòng. 34/34 phường, xã kiện toàn ban chỉ đạo theo đúng hướng dẫn; 100% các phố, thôn, chợ đã thành lập tổ giám sát ATTP và hoạt động thường xuyên. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, tập trung vào việc chuyển tải luật, chỉ thị, nghị quyết, thông tư, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến ATTP để nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân; nâng cao tính tự giác trong bảo đảm vệ sinh ATTP, nhất là việc sử dụng vật tư, hóa chất để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn chăn nuôi an toàn... Đặc biệt, để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-HĐND về hỗ trợ các xã, phường xây dựng xã, phường đạt tiêu chí ATTP. Theo đó, các xã, phường được công nhận hoàn thành tiêu chí xã, phường ATTP được hỗ trợ 100 triệu đồng; các chợ hoàn thành xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm được hỗ trợ 50 triệu đồng; các cửa hàng đủ điều kiện ATTP (đối với xã, phường không có chợ) hỗ trợ 50 triệu đồng. Thành phố cũng đã thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Thông qua chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời nhắc nhở và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong SXKD thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP cũng được tăng cường. Trong 5 năm, thành phố đã thành lập 613 đoàn, kiểm tra 12.083 lượt và xử lý 640 vụ, tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách hơn 1.417 triệu đồng.
TP Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh, với dân số đông. Việc cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, thành phố luôn ưu tiên xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Sau 5 năm thực hiện, thành phố đã xây dựng được 18 mô hình chuỗi giá trị sản xuất an toàn tại các phường, xã, trong đó có 2 chuỗi cung ứng lúa, gạo an toàn tại xã Hoằng Quang, phường Đông Lĩnh; 3 chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn ở phường Quảng Thắng, Quảng Tâm và xã Hoằng Đại; 11 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn; 1 chuỗi cung ứng trứng gia cầm an toàn tại phường Quảng Thành và 11 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn tại phường Quảng Phú. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 5 mô hình giết mổ ATTP đó là: Mô hình giết mổ tại phường Tào Xuyên của Công ty CP Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa quy mô 50 con/ngày/đêm; mô hình giết mổ tại phường Tào Xuyên tại nhà ông Tào Văn Vinh, quy mô 30 con/ngày/đêm; mô hình giết mổ tại phường Quảng Hưng, quy mô 30 con/ngày/đêm; mô hình giết mổ tại phường Quảng Tâm và xã Hoằng Quang, quy mô 10 con/ngày/đêm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 35 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tuân thủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP theo quy định. Thành phố cũng có 30/30 chợ đã được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm; 117 cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 231 bếp ăn tập thể được công nhận ATTP.
Để duy trì phường, xã đạt tiêu chí ATTP, phấn đấu trong năm 2021 có 4 phường đạt tiêu chí ATTP nâng cao, đến năm 2025 có 50% phường, xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa yêu cầu UBND thành phố tổ chức ký kết chỉ tiêu ATTP giữa Chủ tịch UBND thành phố và chủ tịch UBND các phường, xã để làm cơ sở đánh giá thi đua cuối năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình về ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các cơ sở SXKD trong việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP. Công khai xử lý vi phạm về ATTP của các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sức răn đe. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu để thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn bền vững.
Nguồn: Baothanhhoa.vn