Tin tức

Xây dựng lâm sản măng khô xã Thanh Lâm thành sản phẩm OCOP

Tin Sưu tầm | 17-06-2021 | 33 lượt xem

Xã Thanh Lâm, UBND huyện Như Xuân đã làm các khâu thủ tục trình Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh kiểm tra, thẩm định để công nhận sản phẩm măng khô Thanh Lâm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

 

Sản phẩm măng khô xã Thanh Lâm (Như Xuân) có màu vàng đẹp và chất lượng tốt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Linh Trường

          Tháng 6, khi những cơm mưa đầu hạ mát lành làm vơi đi sự khô hạn trên các cánh rừng xã Thanh Lâm (Như Xuân), cũng là lúc vô vàn mầm măng ngoi mình lên mặt đất. Bạt ngàn những khu rừng vầu, rừng nứa dại trên các dãy núi, ngọn đồi của xã vùng sâu này trở thành nơi mưu sinh cho đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Thổ ở địa phương. Đây là nguồn lâm sản phụ được phép khai thác gắn với khoanh vùng, bảo vệ đã được quy định. Ngoài ra, hàng chục héc ta rừng luồng, tre, măng bát độ của các hộ gia đình có đất lâm nghiệp cũng được chuyên canh để khai thác măng.

          Trước đây, sản phẩm măng khô địa phương thường có giá bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái thu mua, thu nhập người dân theo đó cũng không ổn định. Năm 2020, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được thành lập với mục đích hỗ trợ người dân chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ sấy măng, đóng gói và phát triển quy mô sản xuất. Nghề khai thác, sơ chế măng khô đã trở thành hướng mưu sinh hiệu quả của hàng trăm gia đình trong xã Thanh Lâm. Do chất lượng măng khô ở đây tốt, tiếng lành đồn xa được nhiều người ưa thích nên đầu ra ngày càng rộng mở.

          Bước thấp, bước cao trên dãy núi ven làng Đoàn Trung trong xã, chúng tôi cùng chị Lữ Thị Thanh đi khai thác măng nứa. Mới vào đầu vụ nên măng chưa nhiều, nhưng người phụ nữ dân tộc Thái này cũng thu hái được cả gùi măng đầy sau vài giờ vào rừng. Theo chị, từ khi mới lớn đã theo mẹ, theo bà đi lấy “lộc rừng”. Đến khi về nhà chồng, chị vẫn theo nghề truyền thống ấy, bởi ở vùng cao này, ngoài nghề rừng cũng hiếm có việc khác nếu không ly hương. Mùa măng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, đây chính là thời điểm hàng trăm người dân trong xã có thêm nguồn thu nhập. Một lao động thường lấy được khoảng 30 đến 40 kg trong một buổi sáng, có thu nhập khoảng từ 200 đến 300 nghìn đồng. Buổi chiều thường ít người đi, hoặc ở nhà sơ chế măng nếu muốn tự tay làm để có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế này không phải lúc nào cũng liên tục mà còn phụ thuộc thời tiết, nhất là những đợt mưa gió.

          Từ hoạt động khai thác măng, xuất hiện nhiều hộ gia đình chuyên thu gom măng tươi để thuê người sơ chế. Điển hình trong số đó là gia đình chị Hoàng Thị Lự, thôn Đoàn Trung, có ngày sơ chế đến 3 tạ măng tươi. Dưới dòng nước suối mát lành được dẫn về qua đường ống đang róc rách chảy, mẹ con chị Lự thoăn thoắt lưỡi dao sắc lẹm để hớt những phần màu vàng và vỏ áo trên thân măng. Sau khi tiếp tục được gọt phần rễ và cắt những đoạn già, măng được chẻ mang đi sấy hoặc phơi nắng để cho ra sản phẩm “măng lưỡi lợn” - nếu là măng luồng và măng rối - nếu là măng nứa. Là người gốc huyện Quảng Xương lên đây lập nghiệp, vợ chồng chị đã lấy nghề sản xuất măng khô làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ hàng chục năm qua. Từ chi phí trang trải cuộc sống, đến nuôi con học hành và tích lũy, gia đình chị đều nhìn vào hoạt động sản xuất măng khô. Để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, gia đình còn trồng nhiều diện tích luồng để lấy măng.

          Nói về nguồn nguyên liệu cho nghề sản xuất măng khô, ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm quả quyết là rất dồi dào. “Trên địa bàn xã có dãy núi Bù Mùn chạy dài cả chục cây số, măng chủ yếu được người dân khai thác ở dãy núi trùng điệp ấy. Ngoài ra, xã còn khoảng 200 ha nứa, trở thành nguồn nguyên liệu chế biến bền vững. Hiện nay, toàn xã có khoảng 350 lao động chuyên khai thác hoặc chế biến măng khô cho HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm. Hoạt động này chỉ chưa đầy nửa năm nhưng cũng mang lại thu nhập trung bình 39 triệu đồng/lao động. Gần đây, các thành viên HTX đã được tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm...” - ông Huấn chia sẻ.

          Theo nhiều người dân địa phương, măng khô ở đây có màu vàng đặc trưng, khai thác và chế biến còn tự nhiên, hoàn toàn không dùng hóa chất độc hại. Nếu để quá 2 năm, khi đun nấu lâu trên bếp vẫn có độ dai chứ không mềm nhũn như măng một số nơi khi để lâu. Gần đây, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã vào xã vùng sâu này khảo sát và hỗ trợ xã 2 lò sấy măng với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để phát triển sinh kế cho người dân. HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được giao sử dụng, hiện đã được chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân. Đây cũng là bước ngoặt để hoạt động chế biến măng khô của xã phát triển mạnh do không còn phụ thuộc vào thời tiết, trời không nắng vẫn có thể làm khô măng. Xã Thanh Lâm, UBND huyện Như Xuân đã làm các khâu thủ tục trình Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh kiểm tra, thẩm định để công nhận sản phẩm măng khô Thanh Lâm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

          Được biết tháng 4 vừa qua, Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các chỉ tiêu liên quan. Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Qua khảo sát và các khâu kiểm tra của các ngành thành viên, sản phẩm măng khô Thanh Lâm đã đạt các tiêu chí để trở thành sản phẩm OCOP, chúng tôi đang yêu cầu địa phương hoàn chỉnh hồ sơ cũng như hoàn thiện trụ sở làm việc của HTX chủ quản theo quy định. Hiện nay, sản phẩm đã được nhiều cơ quan, đơn vị dùng làm quà biếu mang tính chất đặc sản vùng miền núi của xứ Thanh, cũng khá nhẹ và tiện lợi cho vận chuyển đi xa.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024