Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, qua quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị tiếp tục được triển khai mở rộng, các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng với tổng diện tích liên kết vụ Đông Xuân 33.527,9 ha gồm: mía nguyên liệu với diện tích 15.177,3 ha, sắn nguyên liệu với diện tích 12.739,3 ha, lúa giống với diện tích 932 ha, lúa thương phẩm 2.627,4 ha, còn lại là diện tích rau củ quả các loại và cây trồng khác (2.052 ha: ớt 812,6 ha, ngô ngọt 256,4 ha, ngô dầy 445,2, khoai tây 220,7 ha, ...). Các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả cao như liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP thương mại Sao Khuê tại huyện Đông Sơn; sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 280 ha của Công ty CP Mía đường Lam Sơn tại huyện Thiệu Hóa. Một số vùng sản xuất rau an toàn đang phát huy hiệu quả như: Thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa; Xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc; Xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân...được duy trì và phát triển.Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 1.061 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng 30 chuỗi, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng 1.031 chuỗi, trong đó 261 chuỗi cung ứng lúa, gạo; 295 chuỗi cung ứng rau quả; 349 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; 126 chuỗi cung ứng thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.
Cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ được liên kết và bao tiêu sản phẩm
Thực hiện chính sách phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 122 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định, trong đó có 35 doanh nghiệp đã được chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong hoạt động, cụ thể: 03 cơ sở được chứng nhận GlobalGAP trong chăn nuôi, 14 cơ sở được chứng nhận VietGAP trong sản xuất (05 cơ sở chăn nuôi, 01 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, 08 cơ sở trồng trọt); 03 cơ sở được chứng nhận GMP/SSOP; 10 cơ sở được chứng nhận HACCP; 05 cơ sở được chứng nhận ISO 22.000 và 87 doanh nghiệp đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 15 đơn vị được giám sát, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và được cấp tem xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để dán lên sản phẩm theo quy định. Hàng năm, các chuỗi này đã cung ứng ra thị trường tiêu thụ thực phẩm an toàn tương ứng hơn 6 triệu quả trứng gia cầm; 100 tấn thịt lợn; 458 tấn rau, quả; 620 tấn mắm và các sản phẩm dạng mắm; 3000 tấn gạo; 150 tấn nấm; 3000 lít mật ong.
Lễ khánh thành nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo của công ty Sao Khuê
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp. Thời gian qua, một số mô hình chuỗi giá trị đã được hình thành và chứng minh hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và chưa phân bổ đều ở các lĩnh vực, ngành nghề. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng trên cả nước vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành những khu sản xuất tập trung để áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chuỗi giá trị theo các hình thức như: Hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp; Doanh nghiệp sản xuất liên kết với doanh nghiệp phân phối; Doanh nghiệp thực hiện toàn bộ các khâu trong chuỗi... Muốn vậy, các địa phương cần sớm quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở cho việc hình thành các chuỗi giá trị. Ngoài ra, ngành nông nghiệp các địa phương cũng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hướng mở rộng quy mô, bảo đảm đủ các điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động thành hợp tác xã kiểu mới hoặc doanh nghiệp, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản bảo đảm ATTP phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng.