Tin tức

Vì sức khỏe người tiêu dùng

Tin hoạt động | 27-05-2021 | 40 lượt xem

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân ở TP Thanh Hóa đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.

Mô hình trồng rau an toàn ở phố Minh Trại, phường Quảng Thành.

            Nhiều năm qua, anh Trương Tiến Hải luôn là gương sáng của phường Quảng Thành trong phát triển mô hình sản xuất thực phẩm an toàn. Năm 2013, anh Hải quyết định từ bỏ chức Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật – Trường Đại học Hồng Đức để trở về nghiên cứu, lai tạo các giống vật nuôi đặc sản. Từ năm 2014 đến nay, anh Hải đã nghiên cứu và lai tạo thành công nhiều giống gà quý hiếm của các huyện miền núi trong tỉnh như gà kha thầy, gà rừng tai trắng, gà rừng đen, gà ri thuần, gà Mông... Để khôi phục gen của những con gà này, anh Hải đã mất rất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, để sản phẩm chiếm được ưu thế trên thị trường, toàn bộ thức ăn cho gà, vịt được anh Hải tự nghiên cứu và phối trộn từ các nguyên liệu phụ phẩm như ngô, đầu tôm, đầu cá, đậu tương... Anh cũng sử dụng men vi sinh và các thảo dược tự nhiên để thay thế toàn bộ kháng sinh trong quá trình chăn nuôi. Do không sử dụng hoóc môn tăng trưởng nên chất lượng sản phẩm của anh hoàn toàn khác với các trang trại khác. Là những vật nuôi đặc sản, lại được chăm sóc khoa học nên chất lượng sản phẩm của anh luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Toàn bộ sản phẩm của anh được bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng trong tỉnh và cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm ngoài Hà Nội. Không chỉ nghiên cứu lai tạo giống vật nuôi, anh Hải còn trồng chuối Thái Lan kết hợp nuôi trồng thủy sản theo dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

            Anh Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Thành cho biết: “Quảng Thành là phường có diện tích đất nông nghiệp lớn. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn ngày càng cao, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ngoài mô hình của anh Trương Tiến Hải, trên địa bàn phường còn có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khác như mô hình nuôi cá nước ngọt công nghệ cao của anh Nguyễn Sỹ Thuấn; mô hình nuôi lợn rừng, lợn mán của anh Nguyễn Đức Vạn... Trên địa phường cũng đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại phố Minh Trại, diện tích hơn 2 ha với nhiều hộ gia đình tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn về khoa học - kỹ thuật, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo đảm an toàn... Sau khi được tập huấn, các hộ dân đầu tư kinh phí làm nhà lưới hoặc làm lưới che theo luống để sản xuất. Trong quá trình trồng và chăm sóc, người dân sử dụng phân vi sinh để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng và chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn cho người sử dụng”.

            Hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn, thời gian qua, Hội Nông dân TP Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, cách sử dụng phân bón thuốc trừ sâu cho rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi con đặc sản... cho hội viên nông dân. Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ hội viên xây dựng các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như cửa hàng thực phẩm sạch Hà Mơ (phường Hàm Rồng), cửa hàng thực phẩm sạch Lệ Thủy (phường Tào Xuyên), cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Tập (xã Hoằng Quang)... Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn ở phường Tào Xuyên, phường Đông Tân, phường Quảng Thắng; mô hình nuôi bò ở phường Quảng Phú; mô hình nuôi gà ở xã Hoằng Đại và phường Quảng Thành...

            Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Hội Nông dân TP Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới; hướng dẫn, khuyến khích người dân mở rộng sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng đến người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và sử dụng.

                                                                                    Nguồn: Baothanhhoa.vn

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024