Tin tức

Vai trò của Phụ nữ Thanh Hóa với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 14-09-2022 | 30 lượt xem

 

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề ATTP lại được toàn xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay. Tình trạng vi phạm ATTP diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức, gây tâm lý hoang mang lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội. Chiếm hơn 50% dân số, ngày nay phụ nữ đã và đang tham gia vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm VSATTP. Đây là một trong những nhân tố quan trọng tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và sự phát triển giống nòi.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và Kết luận số 624 KL/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và cộng đồng về bảo đảm ATTP. Hội LHPN tỉnh đã quán triệt, triển khai đến các cấp hội và hội viên, phụ nữ; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội. Hội đã tập trung đổi mới và nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và các cấp về công tác bảo đảm VSATTP. Hội LHPN các cấp chú trọng lồng ghép các nội dung thực hiện vào phong trào, cuộc vận động như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Thanh Hóa thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.

Đặc biệt là tổ chức thực hiện linh hoạt, bám sát điều kiện thực tế của từng địa phương để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng và nhân rộng 958 “Chi hội phụ nữ tự quản về VSATTP” tại 27 huyện, thị, thành phố; thành lập 98 HTX, tổ hợp tác sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp”, giới thiệu trên hàng trăm mặt hàng thực phẩm sạch do hội viên, phụ nữ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh. Nhiều cơ sở hội thành lập gian hàng giới thiệu sản phẩm cho hội viên. Nhiều sản phẩm đã được tổ chức hội đấu mối làm nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, định hướng cho hội viên sản xuất cây, con, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm theo huớng an toàn vệ sinh thực phẩm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...

Sau hơn 5 năm thành lập, các “Chi hội phụ nữ tự quản về VSATTP” đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm nhân rộng mô hình như: Chi hội Phụ nữ phố Tây Ga, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) đã phát triển từ 80 thành viên nòng cốt lên hơn 200 thành viên. Các thành viên trong chi hội đã không quản ngại, thường xuyên đến các điểm nhà hàng, khách sạn, chợ, từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chủ cơ sở kinh doanh về công tác ATTP, đồng thời vận động các hộ ký cam kết thực hiện nghiêm túc. Các hộ cam kết thực hiện tốt 3 không: Không sản xuất thực phẩm không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn và không sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Các thành viên đã “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phố chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thực hiện ATTP. Nhìn chung các hộ kinh doanh đều rất ủng hộ việc chúng tôi làm. Hòm thư góp ý tại nhà văn hóa phố mở thư một lần/tuần nhưng chưa phát hiện sai phạm. Hội LHPN phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn hiện có 6/6 chi hội đã thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về VSATTP” thu hút hơn 1.000 thành viên tham gia. Đây là các hội viên phụ nữ có cùng nguyện vọng muốn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành ATTP. Hội LHPN phường đã tặng hơn 1.000 chiếc làn nhựa và chỉ đạo thành lập 2 mô hình chi hội sử dụng làn nhựa, hộp nhựa khi đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon...

 

Hình ảnh: Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn”

Đạt được kết quả trên, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã chú trọng công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc lựa chọn, đăng ký công trình, phần việc thực hiện công tác đảm bảo VSATTP phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hội, tình hình thực tế của địa phương; chủ động, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng khai thác nguồn lực để triển khai các chương trình, hoạt động hiệu quả. Nhiều cơ sở hội, cán bộ, hội viên tham gia kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể của trường học, công ty, các hộ kinh doanh, tiểu thương các chợ... do phụ nữ làm chủ; tổ chức hội hỗ trợ hội viên, các cơ sở sản xuất, chế biến do hội viên, phụ nữ làm chủ các thủ tục xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình, các tổ sản xuất thuê đất, vay vốn sản xuất, liên doanh theo chuỗi cung ứng giá trị sản phẩm an toàn theo quy trình.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục xây dựng mạng lưới tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng quy trình sản xuất hiện đại bảo đảm vệ sinh, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm VSATTP. Coi công tác bảo đảm ATTP là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của tổ chức hội. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW đối với công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cùng cấp về ATTP.

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Ký cam kết thực hiện pháp luật về An toàn giao thông và an toàn thực phẩm cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên

Tin về ATTP | 26-01-2024

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024

Tin về ATTP | 26-01-2024

Đảm bảo thực phẩm an toàn ngày Tết

Tin về ATTP | 19-01-2024

Kiểm soát thực phẩm những ngày cận Tết

Tin về ATTP | 19-01-2024

Bảo quản thực phẩm an toàn trong Tết Nguyên đán

Tin về ATTP | 19-01-2024