Tin tức

VAI TRÒ CỦA AN TOÀN THỰC PHẨM VỚI NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Tin về ATTP | 25-11-2022 | 46 lượt xem

 

 

An toàn thực phẩm có vai trò quan trọng cả trong và sau khi điều trị đối với bệnh nhân ung thư. Người bệnh sau khi trải qua quá trình điều trị với nhiều phương pháp khác nhau: Hóa trị, xạ trị và cấy ghép tế bào gốc/tủy xương, thường làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này làm cho cơ thể người bệnh có nguy cơ cao nhiễm bệnh từ những tác nhân: Vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng, nấm mốc…có trong môi trường sống và đặc biệt từ những thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số đợt giảm bạch cầu, điều này sẽ khiến cho cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bị suy giảm. Vì vậy, nên để người bệnh tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây nhiễm trùng. Điều quan trọng cần nhớ là không thể tăng số lượng bạch cầu lên bằng cách ăn hoặc tránh ăn một số loại thực phẩm nào đó. Bài viết này sẽ cung cấp thêm một số lời khuyên hữu ích để bảo quản, xử lý, chuẩn bị và chế biến thức ăn hỗ trợ cho quá trình hồi phục hệ miễn dịch của người bệnh ung thư.

 1. Một số loại thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn cao hơn. Bao gồm:

- Trái cây và rau quả tươi chưa rửa, đặc biệt là rau lá to, dài có thể che giấu bụi bẩn và các hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư gây ô nhiễm.

- Rau mầm, chẳng hạn như mầm cỏ linh lăng

- Thịt bò sống/tái, thịt gia cầm sống hoặc thịt chưa nấu chín.

- Xúc xích nguội hoặc thịt nguội. Trước khi sử dụng nên nấu hoặc hâm nóng

- Động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín, chẳng hạn như hàu sống.

- Pate, cá xông khói

- Một số loại cá, gỏi sống và nấu chưa chín vì chúng có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao

- Sushi và sashimi, thường có cá sống. Cá đông lạnh ở siêu thị, cá được đóng gói, dán nhãn, an toàn hơn cá khác, nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

- Đồ uống không tiệt trùng, chẳng hạn như nước ép trái cây chưa tiệt trùng, sữa tươi, sữa chua men sống hoặc rượu táo

- Phô mai mềm làm từ sữa chưa tiệt trùng, chẳng hạn như phô mai xanh, Brie, Camembert, phô mai dê…

- Trứng chưa luộc chín, các loại thực phẩm làm từ trứng sống, chẳng hạn như bột cookie nguyên liệu tự làm và sốt mayonnaise tự làm

- Salad được chế biến với trứng, thịt nguội, thịt gà hoặc hải sản

2. Các bước đơn giản đảm bảo an toàn thực phẩm

Bảo quản và xử lý thực phẩm

  • Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong 20 giây trước và sau khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Làm lạnh thực phẩm ở nhiệt độ ≤ 4°C.
  • Giữ thức ăn luôn ấm (≥ 60°C) hoặc luôn mát (≤ 4°C) tùy thuộc vào loại thức ăn đó là thức ăn cần ăn nóng hay lạnh.
  • Rã đông thịt, cá hoặc thịt gia cầm trong lò vi sóng (microwave) hoặc trong ngăn mát tủ lạnh, để  thực phẩm trong đĩa để tránh thực phẩm chảy nước ra lò, tủ trong khi rã đông.
  • Sử dụng thực phẩm đã rã đông ngay lập tức và không làm đông lạnh trở lại.
  • Để những thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ kể từ khi mua hoặc chế biến. Không để những thức ăn có thành phần trứng, kem và sốt mayonnaise ngoài tủ lạnh quá một giờ.
  • Rửa trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy trước khi gọt hoặc cắt. Không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa, dung dịch tẩy có chứa clo hoặc các loại nước rửa trên thị trường. Sử dụng bàn chải chà sạch vỏ của các loại hoa quả, rau củ có vỏ dày, thô ráp (dưa vàng, khoai tây, chuối,...) và bất kỳ loại rau củ quả nào khác nào có thể đọng bụi đất.
  • Đối với rau ăn lá, rửa sạch từng lá rau một dưới vòi nước chảy.
  • Rửa các loại salad, rau đóng túi và các sản phẩm đã chế biến khác dưới vòi nước chảy, ngay cả khi đó là rau đã được rửa sẵn. 
  •  Không ăn rau mầm sống
  • Vứt bỏ trái cây và rau quả bị mốc hoặc đã bị nhớt.
  • Không mua sản phẩm đã được cắt sẵn ở cửa hàng (như dưa hoặc bắp cải).
  • Rửa sạch nắp các hộp, lon thực phẩm bằng xà phòng và nước trước khi mở.
  • Không dùng cùng một dụng cụ vừa để đảo thức ăn, vừa để nêm nếm thức ăn. Không nếm hoặc cho người khác nếm thức ăn bằng những dụng cụ mà sau đó lại dùng để cho vào thức ăn
  • Vứt bỏ những quả trứng có vỏ bị nứt.
  • Vứt bỏ thức ăn trông có vẻ lạ hoặc mùi lạ và không được nếm thử chúng.

Tránh nhiễm chéo

  • Dùng dao sạch để cắt các loại thực phẩm khác nhau.
  • Trong tủ lạnh, bọc kín các loại thịt sống và để tách biệt với những thực phẩm đã chế biến hoặc đồ ăn chín.
  • Để thức ăn riêng biệt trên mặt bàn bếp. Sử dụng các thớt khác nhau để cắt, thái cho thịt sống và chín.
  • Làm sạch mặt bàn bếp và thớt bằng nước nóng và xà phòng hoặc bạn có thể tự pha dung dịch gồm 1 phần chất tẩy với 10 phần nước. Có thể dùng khăn ướt vô trùng loại dùng trong nhà bếp để lau xung quanh chỗ đặt thực phẩm.
  • Khi nướng, luôn dùng đĩa sạch để đựng thịt chín.

Nấu chín thức ăn

  • Đặt nhiệt kế thực phẩm vào giữa phần dày nhất của miếng thịt để kiểm tra độ chín. Kiểm tra độ chính xác của nhiệt kế bằng cách cho vào nước sôi. Nếu chính xác, nhiệt kế sẽ cho kết quả là 100° C.
  • Nấu thịt cho đến khi không còn màu hồng và nước chảy từ miếng thịt trong. Cách duy nhất để biết chắc chắn rằng thịt đã được nấu chín ở nhiệt độ thích hợp là sử dụng nhiệt kế thực phẩm. 

Sử dụng lò vi sóng (microwave)

  • Xoay đĩa một phần tư vòng một hoặc hai lần trong khi nấu nếu không có đĩa xoay tự động trong lò vi sóng. Điều này giúp tránh xuất hiện các “điểm lạnh” trong thực phẩm, nơi vi khuẩn có thể tồn tại.
  • Dùng nắp đậy để hâm nóng triệt để thức ăn cũ. Khuấy thường xuyên trong khi hâm nóng.

Mua sắm thực phẩm

  • Kiểm tra “ngày sản xuất” và “hạn sử dụng”. Không mua các sản phẩm (bao gồm thịt, gia cầm hoặc hải sản) đã quá hạn sử dụng. Chỉ chọn những sản phẩm tươi nhất.
  • Không sử dụng đồ hộp bị hư hỏng, phồng rộp, rỉ sét hoặc bị móp. Đảm bảo rằng thực phẩm đóng gói và đóng hộp được niêm phong đúng cách.
  • Chọn trái cây và rau không bị úa, thâm.
  • Không mua và ăn thức ăn nguội nấu sẵn. Trong tiệm bánh, tránh các món tráng miệng và bánh ngọt có kem và sữa trứng không được bảo quản lạnh.
  • Không ăn thực phẩm bày bán ở khu vực tự phục vụ hoặc lấy từ các thùng/hộp chứa cỡ lớn.
  • Không ăn sữa chua và kem từ máy làm kem ở các cửa hàng, siêu thị.
  • Không ăn các mẫu thực phẩm miễn phí.
  • Không sử dụng trứng bị nứt hoặc không được bảo quản mát.
  • Lấy thực phẩm đông lạnh ngay trước khi ra khỏi cửa hàng, đặc biệt là trong những tháng mùa hè.
  • Làm lạnh thực phẩm ngay lập tức. Không bao giờ để thực phẩm trong ô tô khi xe đang nóng.

Đi ăn ngoài

  • Ăn sớm để tránh đông người.
  • Yêu cầu thực phẩm được chế biến tươi trong các nhà hàng thức ăn nhanh.
  • Yêu cầu các túi gia vị đóng gói riêng biệt đủ cho một lần sử dụng, tránh dùng gia vị trong các hộp, lọ đựng chung tự phục vụ.
  • Không ăn thực phẩm có nguy cơ không ăn toàn, bao gồm quầy salad, đồ ăn chế biến sẵn, buffet, và thức ăn bán rong hoặc bày bán vỉa hè.
  • Không ăn trái cây và rau không nấu khi đi ăn ngoài.
  • Yêu cầu các loại nước trái cây đã tiệt trùng. Tránh nước trái cây “mới vắt” trong nhà hàng.
  • Đảm bảo rằng đũa, thìa (muỗng), nĩa,.. được đặt trên giấy ăn hoặc khăn ăn sạch chứ không đặt ngay trên mặt bàn.
  • Nếu bạn muốn mang thức ăn thừa về, hãy yêu cầu một hộp đựng và tự bỏ thức ăn vào đó thay vì nhờ người phục vụ mang thức ăn của bạn vào bếp để làm việc này.
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024