Tin tức

Tiếp tục thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố

Tin về ATTP | 12-10-2021 | 29 lượt xem

 

Chủ trương này được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 7/9/2021 thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố (cấp huyện) của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.

Phạm vi thí điểm là 70 đơn vị hành chính cấp huyện đã thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP. Thời gian thí điểm là 01 năm.

Nghị quyết nêu rõ, công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Kinh phí cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ưu tiên bố trí ngân sách theo phân cấp cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương trên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2021. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ về công tác thí điểm.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng:

* Phạm vi: UBND tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn 06 đơn vị hành chính cấp huyện và 30 đơn vị hành chính cấp xã để triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn, cụ thể:

- 06 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân và Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).

- 30 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 07 xã, phường thuộc thành phố Thanh Hóa: Xã Quảng Tâm, các phường: Ba Đình, Lam Sơn, Trường Thi, Tân Sơn, Đông Thọ, Điện Biên; 04 phường thuộc thành phố Sầm Sơn: Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn và Quảng Cư; 03 xã, thị trấn thuộc huyện Nga Sơn: Nga Liên, Nga An và thị trấn Nga Sơn; 06 xã, thị trấn thuộc huyện Hoằng Hóa: Hoằng Thanh, Hoằng Kim, Hoằng Trường, Hoằng Tiến, Hoằng Phụ và thị trấn Bút Sơn; 04 xã, thị trấn thuộc huyện Thọ Xuân: Xã Xuân Bái và các thị trấn: Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng; 06 xã, thị trấn thuộc huyện Tĩnh Gia: Hải Bình, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Thanh, Hải Hòa và thị trấn Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn và sau khi sáp nhập còn 05 phường, gồm: Hải Bình, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Thanh, Hải Hòa).

* Tình hình về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các địa bàn thí điểm: Trên địa bàn 06 huyện, thành phố được chọn thí điểm có 21.147 cơ sở, gồm: 17.794 cơ sở sản xuất, 1.871 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.482 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó:

- Số cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 3.527 cơ sở; có 3.527/3.527 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 100%.

- Quản lý ATTP tại các chợ: Trên địa bàn 06 huyện, thành phố có 130 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trong đó: 06 Trung tâm thương mại, siêu thị: 06; 08 Chợ hạng 1; 115 Chợ hạng 2, 3 và 01 Chợ đầu mối (chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa được công nhận đạt QCVN 02-30:2018/BNNPTNT về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản- yêu cầu đảm bảo ATTP).

Số chợ được áp dụng mô hình thí điểm bảo đảm ATTP: 75/124 chợ đã được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm phù hợp với TCVN 11856:2017 và đạt tiêu chí chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

- Quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ: Có 15.476 cơ sở, hộ gia đình sản xuất thực phẩm ban đầu nhỏ lẻ đã ký cam kết sản xuất thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt 100%. UBND 30 xã, phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thành phố thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành đã cấp 21.075 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho 13.085 tấn sản phẩm thực phẩm (rau, củ, quả, trứng, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cá…)

- Quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Có 440/488 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP, đạt 90,2%.

* Kết quả triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

- Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra:

Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra đã triển khai tại các đơn vị thí điểm là 149 đoàn, trong đó: Số đoàn thanh tra theo kế hoạch là 77 đoàn (chiếm 51,7%), số đoàn thanh tra đột xuất là 01 đoàn (chiếm 0,6%), số đoàn kiểm tra là 71 đoàn (chiếm 47,7%), giảm 79 đoàn so với năm 2018. Các đơn vị có số đoàn nhiều là huyện Hoằng Hóa (37 đoàn), thị xã Nghi Sơn (34 đoàn), thành phố Thanh Hóa (29 đoàn). Các đơn vị có số đoàn ít là thành phố Sầm Sơn (06 đoàn), huyện Nga Sơn (09 đoàn) do không báo cáo số liệu của các đơn vị cấp xã.

Tính số đoàn thanh tra, kiểm tra theo đơn vị hành chính thí điểm (gồm cả cấp huyện, cấp xã thí điểm) ghi nhận: Trung bình mỗi đơn vị hành chính thíđiểm triển khai 4,97 đoàn thanh tra, kiểm tra/12 tháng; trong đó có 2,1 đoàn thanh tra /12 tháng, 2,87 đoàn kiểm tra/12 tháng.

- Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn thí điểm là 1.718 cơ sở, trong đó huyện có cơ sở được thanh tra, kiểm tra nhiều nhất là huyện Thọ Xuân (503 cơ sở; huyện có cơ sở được thanh tra, kiểm tra ít nhất là thị xã Nghi Sơn (47 cơ sở); có 04 huyện không báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của xã là huyện Nga Sơn, huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn.

Trong thời gian thí điểm ghi nhận: Trung bình mỗi đơn vị hành chính thí điểm đã thanh tra, kiểm tra 47,7 cơ sở/đơn vị hành chính; trong đó, thanh tra là 22 cơ sở/đơn vị hành chính, kiểm tra là 25,7 cơ sở/đơn vị hành chính.

- Số cơ sở vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian thí điểm là 280 cơ sở (chiếm 16,3% so với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra), trong đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 251 cơ sở (chiếm 89,6% so với số cơ sở vi phạm) với số tiền phạt 618 triệu đồng, nhắc nhở 29 cơ sở. Trung bình phạt tiền 2,5 triệu đồng/cơ sở vi phạm. Đơn vị có số tiền xử phạt nhiều là huyện Nga Sơn (211 triệu đồng), thành phố Sầm Sơn (201 triệu đồng), thành phố Thanh Hóa (118 triệu đồng); đơn vị có số tiền xử phạt ít là thị xã Nghi Sơn (18 triệu đồng), huyện Hoằng Hóa (22 triệu đồng).

- Số cơ sở vi phạm không xử lý (nhắc nhở) là 29 cơ sở (chiếm 1,7% so với tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra) do huyện Hoằng Hóa báo cáo thực hiện thông qua công tác kiểm tra.

- Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm: Có 02 đơn vị báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm (huyện Hoằng Hóa, huyện Nga Sơn), đã xét nghiệm nhanh tại hiện trường 98 mẫu thực phẩm, phát hiện 04 mẫu không đạt, chiếm 4,1%; 04 đơn vị không có số liệu báo cáo (thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Thọ Xuân).

- Các nội dung vi phạm về ATTP chủ yếu được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra: Nơi chế biến thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, điều kiện đảm bảo ATTP trong bảo quản thực phẩm không đạt yêu cầu; kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; người chế biến thức ăn nhưng không đội mũ, không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

 

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024