Xác định mục tiêu xây dựng và đánh giá đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm (ATTP) là cả quá trình thực hiện nhiều khó khăn nhưng giữ vững các tiêu chí đó lại càng khó hơn, do vậy Thanh Hóa luôn chú trọng tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo về bảo đảm ATTP và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng.
ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP có thể xem là giải pháp cốt lõi, để quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu nguyên liệu, hay từ nơi sản xuất ban đầu; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP của chính quyền cấp xã. Vì thế các địa phương cần phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để duy trì và nâng cao kết quả đã đạt được, bảo đảm sự bền vững các tiêu chí xã ATTP, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Tại nhiều xã được huyện lựa chọn là đơn vị xây dựng xã ATTP. Để xây dựng thành công xã đạt tiêu chí ATTP, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn; qua đó, UBND các xã cũng đã kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, đã tổ chức hội nghị phân công các nhóm tiêu chí, các chuỗi giá trị thực phẩm an toàn... đến từng đoàn thể, cán bộ, công chức, trưởng thôn, ban quản lý chợ, các tổ giám sát cộng đồng thôn và triển khai xuống người dân để thực hiện. Cùng với việc rà soát và tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ban chỉ đạo vệ sinh ATTP xã còn thành lập tổ giám sát, định kỳ lấy mẫu thực phẩm (giò, chả, thịt, cá, rau...) để kiểm tra các loại chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình: chuỗi thực phẩm an toàn, lò giết mổ, chợ thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể an toàn, cũng được nhiều địa phương chú trọng.
Ngày 27-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao, giai đoạn 2022 – 2025, phấn đấu đến năm 2025, công nhận từ 130 xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao trở lên, đạt 23% trở lên (cụ thể năm 2022, công nhận từ 30 xã trở lên; năm 2023, công nhận từ 37 xã trở lên; năm 2024, công nhận từ 37 xã trở lên; năm 2025, công nhận từ 26 xã trở lên).
Thực hiện kế hoạch, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai nhiệm vụ xây dựng xã ATTP nâng cao trên địa bàn huyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã ATTP nâng cao được UBND tỉnh giao hằng năm; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn về xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, thực hành về ATTP cho các đối tượng liên quan theo quy định; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc xuất xứ tất cả sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND các xã trong việc duy trì tiêu chí xã ATTP (sau khi được công nhận) và xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao; tổ chức thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định công nhận các xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao theo quy định. Kịp thời xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm và huy động nguồn lực hợp pháp để triển khai nhiệm vụ xây dựng xã ATTP nâng cao và công tác duy trì xã ATTP, xã ATTP nâng cao sau khi đã được công nhận; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn xây dựng tiêu chí xã ATTP nâng cao trên địa bàn; tham gia cùng với tổ thẩm định trong quá trình thẩm định hồ sơ và đánh giá thực tế mức độ đạt đối với từng tiêu chí xã ATTP nâng cao... Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường hoạt động giám sát, phản biện đối với việc thực thi pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn; phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, các điển hình trong công tác bảo đảm ATTP và cùng với chính quyền các cấp tham gia xây dựng xã ATTP nâng cao.
Tính đến hết tháng 8-2022, toàn tỉnh có 33 xã cơ bản hoàn thành 4/5 tiêu chí xã ATTP nâng cao, bình quân chung các xã đăng ký đánh giá đạt 3,4 tiêu chí/xã, các địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí còn lại, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Hình ảnh: Đoàn kiểm tra mô hình sản xuất thực phẩm an toàn.
Công tác ATTP luôn là vấn đề “nóng” được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, bước đầu đã tạo chuyển biến đồng bộ ở tất cả các khâu. Các mô hình chăn nuôi không sử dụng chất cấm, bảo đảm vệ sinh ATTP từng bước được nhân rộng. Các lực lượng chức năng của xã tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống tuân thủ các quy định về ATTP; HTX thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP. Tại khu vực chợ, địa phương đã rà soát, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các ki-ốt, đặc biệt là ở khu vực bán thực phẩm...; hàng hóa được bày bán đúng nơi quy định; tiểu thương có ý thức không vứt rác, rau, thực phẩm dư thừa bừa bãi...; khi phát hiện có trường hợp vi phạm tại chợ, xã cương quyết xử lý theo đúng quy định. Với những giải pháp đồng bộ đã và đang triển khai thực hiện sẽ là cơ sở để năm 2022, nhiều xã, phường, thị trấn quyết tâm xây dựng thành công xã ATTP nâng cao.