Bảo đảm an toàn thực phẩm trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Báo cáo tổng kết Kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022
Những ngày cuối cùng đang dần khép lại một năm đầy thử thách, khó khăn đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội đối với cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình hình chung với muôn vàn khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, kế thức những kết quả, thành tựu qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của tỉnh nhà đã đạt được một số kết quả cơ bản như sau:
1. Những kết quả đạt được:
Công tác ATTP tiếp tục được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về ATTP do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; đã quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành hoặc hoàn thành vượt kế hoạch một số chỉ tiêu được giao, cụ thể: Chỉ tiêu sản lượng thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua chuỗi (đạt 100% kế hoạch), chỉ tiêu cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP (đạt 105,7% kế hoạch), chỉ tiêu cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (đạt 125,8% kế hoạch), chỉ tiêu bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP (đạt 165% kế hoạch). Các đơn vị, địa phương điển hình trong việc hoàn thành các chỉ tiêu như: Huyện Đông Sơn, Quan Sơn hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; huyện Thiệu Hoá hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn; các huyện: Thiệu Hoá, Như Xuân, Quan Hoá hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; Sở Y tế, huyện Lang Chánh hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu xây dựng bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP; các huyện: Như Thanh, Bá Thước, Quan Hoá hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP. Công tác thông tin, tuyên truyền và đào tạo tập huấn tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều hình thức đổi mới, phù hợp trong tình hình bệnh Covid-19; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết tiếp tục được quan tâm, thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP tiếp tục phát huy hiệu quả, hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp đối với doanh nghiệp. Một số đơn vị, địa phương đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP (Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện: Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Bá Thước, Hà Trung, Thiệu Hoá…); nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước (thị xã Nghi Sơn, các huyện: Hà Trung, Bá Thước, Quan Sơn...). Công tác đảm bảo ATTP tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ, tích cực vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; các phong trào thi đua, mô hình, điển hình tốt về ATTP được phát huy, đẩy mạnh, được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia.
2. Một số Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2022:
2.1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định và cơ chế chính sách, chương trình, đề án về ATTP
UBND tỉnh ban hành Quyết định giao chỉ tiêu về ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 ngay từ đầu năm. Các sở, ngành đơn vị có liên quan triển khai Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 năm 2022; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 20/3/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình địa phương; xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thực phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh.
2.2. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn về ATTP
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thông tin, tuyên truyền và đào tạo tập huấn về ATTP năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng các nội dung Kết luận số 624-KL/TU, Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kết luận số 624-KL/TU và các văn bản pháp luật về ATTP đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành sản xuất tốt, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GAHP, GAqP, GHP, GMP, HACCP, SSOP…); Kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022; Tăng cường tuyên truyền về ATTP bằng các hình thức trực quan, tuyên truyền lưu động trong các đợt cao điểm về ATTP; duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và trang công khai thông tin ATTP tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã; Tập trung xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề, phóng sự, bản tin tuyên truyền về ATTP; thường xuyên đưa tin các hoạt động quản lý nhà nước về ATTP, các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến để kịp thời động viên, khuyến khích học tập các mô hình, điển hình về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh; đồng thời phê phán công khai những địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai chưa thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ATTP.
Đề nghị Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đẩy mạnh truyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia thực hiện công tác đảm bảo ATTP; tiếp tục tổ chức, phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua thực hiện công tác đảm bảo ATTP; lồng ghép tuyên truyền việc xây dựng xã ATTP, xã ATTP nâng cao với xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
2.3. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và xây dựng xã ATTP
Triển khai có hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng, phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn, nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn duy trì các tiêu chí xã ATTP; triển khai thực hiện các tiêu chí xã ATTP nâng cao.
2.4. Đẩy mạnh hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư vào công tác đảm bảo ATTP
Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các dự án, đề án xây dựng điều kiện làm việc và mở rộng năng lực thử nghiệm, chứng nhận chất lượng chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình vệ sinh ATTP cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã để triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Ưu tiên bố trí kinh phí dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa; mua sắm trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường; công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và thanh tra, kiểm tra về ATTP.
2.5. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP
Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng điều phối tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra liên ngành, kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về ATTP năm 2022, tránh chồng chéo, trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; chủ động lấy mẫu giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý; tổ chức kiểm tra công tác duy trì thực hiện tiêu chí xã, phường, thị trấn ATTP; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi Bằng Công nhận xã ATTP đối với các địa phương không thực hiện duy trì các tiêu chí theo quy định; tham mưu phê bình, chấn chỉnh những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, buông lỏng quản lý về ATTP.
UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn, kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tăng cường sự phối hợp của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò giám sát, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về đảm bảo ATTP. Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh./.