Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 sắp đến. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm (NĐTP), ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Kịp thời ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Hình ảnh: Kiểm tra các điểm kinh doanh nhằm đảm bảo ATTP
Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các hoạt động truyền thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân được biết.
Huy động các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra Lễ hội.
Tập trung mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm. Cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như mùa Lễ hội Xuân.
Cũng theo kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố gồm: Thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Thanh, Hậu Lộc, Bá Thước, Lang Chánh.
Đối Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm huyện, thị xã, thành phố, thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý hoặc kiểm tra các cơ sở theo đề xuất của cấp xã. Yêu cầu không kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, không quá 01 lần/năm.
Đối với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương và các ban, ngành có liên quan, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc Ban Chỉ đạo huyện báo cáo kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Giao Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh với Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm./.