Tin tức

Tập trung xây dựng chợ kinh doanh an toàn thực phẩm

Tin Sưu tầm | 28-06-2021 | 37 lượt xem

Những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống chợ bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Chợ Cẩm Vân (Cẩm Thủy) luôn thực hiện duy trì các tiêu chí về chợ kinh doanh an toàn thực phẩm.

          UBND huyện Cẩm Thủy đã và đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn và tiểu thương kinh doanh tại các chợ triển khai thực hiện xây dựng chợ kinh doanh ATTP trên địa bàn. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hiệu quả kinh doanh, buôn bán của tiểu thương. Tại chợ Cẩm Vân, xã Cẩm Vân, đã được công nhận chợ kinh doanh ATTP từ năm 2019 và đến nay mọi nền nếp kinh doanh, buôn bán của tiểu thương trong chợ vẫn được duy trì. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở của ngành chức năng, tiểu thương đã ký cam kết và chấp hành tốt hơn các quy định về ATTP; hàng hóa buôn bán có nguồn gốc, nhãn hiệu, hạn sử dụng rõ ràng. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Cẩm Vân đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị như tủ, bàn, quầy, quần áo bảo hộ, thùng đựng rác... để bảo vệ môi trường, chống lây nhiễm dịch bệnh chéo tại chợ. Ông Lê Công Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, cho biết: Sau khi được UBND huyện triển khai kế hoạch xây dựng chợ Cẩm Vân trở thành chợ kinh doanh ATTP, tiểu thương kinh doanh tại chợ đã nhiệt tình hưởng ứng, chủ động đầu tư trang thiết bị phục vụ kinh doanh và có ý thức hơn trong việc lựa chọn nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, hàng hóa để cung cấp cho người tiêu dùng. Thông qua việc kinh doanh ATTP tại chợ Cẩm Vân, ý thức sử dụng, sản xuất sản phẩm an toàn trong Nhân dân được nâng cao và nhân rộng.

          Được biết, huyện Cẩm Thủy có 13 chợ dân sinh phục vụ nhu cầu giao thương, sinh hoạt của người dân. Tính đến tháng 6-2021, cả 13 chợ được công nhận là chợ kinh doanh ATTP. Trong đó, có các chợ Cẩm Yên, Cẩm Thạch, Cẩm Ngọc được doanh nghiệp đầu tư, còn lại 10 chợ do các HTX đầu tư xây dựng. Nhìn chung, sau khi được cấp giấy chứng nhận chợ kinh doanh ATTP, chủ đầu tư đã nâng cấp, duy tu và duy trì để giữ vững tiêu chí chợ ATTP, như: cải tạo hệ thống thoát nước thải; hệ thống điện, nước; đầu tư xây dựng và cải tạo các quầy sạp... Đồng thời, mô hình chợ ATTP đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý chợ, tạo thuận lợi kép cho kinh doanh của tiểu thương cũng như mua sắm của người tiêu dùng.

          Theo báo cáo của Sở Công Thương, lũy kế đến hết tháng 5-2021, toàn tỉnh có 220 chợ hợp chuẩn chợ kinh doanh ATTP và 404 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đối với các chợ hạng 2 và hạng 3 ở khu vực nông thôn, việc xây dựng chợ ATTP gặp nhiều khó khăn. Bởi, đa phần các chợ này họp theo phiên, diện tích nhỏ, số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ ít; trong khi đó, cơ sở vật chất xuống cấp, việc thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư chợ còn nhiều vướng mắc, khó thay đổi thói quen mua bán kinh doanh thực phẩm của tiểu thương trong chợ... Do đó, để hoàn thành kế hoạch xây dựng chợ kinh doanh ATTP, những tháng cuối năm 2021, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, xác định khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng chợ, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tiểu thương trong chợ, vận động tiểu thương trang bị giá kệ trưng bày sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí chợ ATTP; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các hạng mục trong chợ. Đồng thời, các địa phương cũng chú trọng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ kinh doanh ATTP theo TCVN 11856:2017 và QCVN 02-30:2018/BNNPTNT.

          Thực tế cho thấy, chợ kinh doanh ATTP là điều kiện tốt để các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Qua đó, không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của ban quản lý chợ, các tiểu thương trong việc kinh doanh thực phẩm bảo đảm các quy định ATTP.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024