Tin tức

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 30-12-2021 | 59 lượt xem

 

 

Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sức khỏe người dân, thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh... góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

 

Hình ảnh: Đoàn kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

Cụ thể, trong công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 1.083 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc trách nhiệm quản lý; cấp giấy xác nhận kiến thức cho hơn 15.306 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho 41 cơ sở; tổ chức cho 12 cơ sở ký bản cam kết bảo đảm ATTP; cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm cho hơn 1.100 lượt hồ sơ. UBND cấp huyện đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho gần 6.700 cơ sở; xác nhận kiến thức ATTP cho hơn 28.300 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh theo quy định; tổ chức cho hơn 52.100 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Các tổ giám sát cộng đồng thôn/bản/phố đã thực hiện cấp gần 67.000 lượt giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho hơn 30.500 lượt cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ với tổng khối lượng sản phẩm được cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ trên 2.250.800 tấn.

Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được các ngành, các cấp chủ động triển khai, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm. Từ tháng 9-2017 đến nay, Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh đã thành lập 39 đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm về ATTP như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP, mùa du lịch, Tết Trung thu; thực hiện kiểm tra 897 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; phát hiện 133 cơ sở vi phạm (chiếm 15%), phạt tiền 133 cơ sở với số tiền hơn 770 triệu đồng.

Theo báo cáo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với 4.239 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 476 cơ sở vi phạm (chiếm 11,2%), phạt tiền 476 cơ sở với số tiền gần 1.863 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý 2.826 vụ vi phạm về ATTP, phạt tiền gần 11 tỷ đồng. Công an tỉnh đã phát hiện, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra, xử lý 252 vụ việc vi phạm về ATTP, phạt tiền gần 1,8 tỷ đồng. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP đối với 57.070 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện 5.594 cơ sở vi phạm (chiếm 9,8%), phạt tiền 2.796 cơ sở với số tiền gần 5,5 tỷ đồng, nhắc nhở, cảnh cáo 2.798 cơ sở. Hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ATTP được thiết lập từ cấp tỉnh đến cấp xã; hàng năm tiếp nhận và xử lý kịp thời nhiều vụ việc có dấu hiện vi phạm pháp luật về ATTP.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp đưa vào sản xuất thực phẩm (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi) đã được quan tâm thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 2.031 cơ sở, phát hiện và xử lý 282 cơ sở vi phạm (chiếm 13,9%) với tổng số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Công tác kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng chất cấm, kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã được các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP tích cực triển khai thực hiện; chủ động lấy mẫu để giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Hằng năm, Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát, đảm bảo ATTP cho các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 378 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành, các cấp phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm... Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng gây ra.

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024