Tin tức

Sán lợn có nguy hiểm không: Cần hiểu đúng để tránh hoang mang

Tin về ATTP | 27-12-2021 | 26 lượt xem

 

Bệnh nhân bị nhiễm sán lợn có khả năng phải đối mặt với nguy cơ tai biến ở não và mắt, gây hôn mê, ảo giác và thậm chí là tử vong. Nếu thịt nhiễm sán dây lợn nhưng đã được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh rất hiếm khi xảy ra.

1. Vì sao người bị nhiễm sán dây lợn?

Nhiễm sán dây lợn, hay sán lợn gạo là một bệnh lý ký sinh trùng có khả năng lây nhiễm giữa động vật và người. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu bắt nguồn từ việc ăn phải thịt lợn mang ấu trùng sán hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán từ phân người. Trong đó, lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh cho người.

Nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn liên quan rất nhiều đến tập quán ăn uống, bao gồm việc ăn thịt lợn sống, nấu chưa chín (tập tục uống tiết canh, nem chua, nem chạo...) và nguồn thịt lợn này vô tình có chứa nang sán lợn gạo. Ngoài ra, người có thói quen ăn thực phẩm chưa nấu chín, rau sống, củ quả không rửa sạch, nước chưa đun sôi sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trứng sán lợn.

2. Nhiễm sán lợn có nguy hiểm không?

Ăn phải thịt lợn nhiễm sán có thể dẫn đến tình trạng nhiễm sán dây lợn. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, nhiễm sán lợn có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào khả năng gây bệnh của sán có còn hay không. Cụ thể, nếu thịt có sán, ấu trùng sán nhưng đã được nấu chín kỹ, thì khi đó nếu người ăn phải cũng không còn nguy cơ gây bệnh.

Mặt khác, nếu như do tập quán ăn uống hoặc điều kiện chế biến chưa được đảm bảo, dẫn đến việc thịt lợn nhiễm sán chưa được nấu chín thì sau khi người ăn hay nuốt phải, trứng sán sẽ vào dạ dày, nở ra ấu trùng sán. Ấu trùng chuyển đến ruột non, xuyên qua thành của ống tiêu hóa, vào máu, sau đó theo máu di chuyển đến các cơ vân, não, mắt... và bắt đầu ký sinh tại đó rồi hóa nang.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà cơ thể sẽ có những biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau. Trường hợp nang sán dây lợn nằm trong cơ, sẽ nhận thấy có những u nhỏ bất thường, cứng, lặn dưới da, nhưng có thể di động khi ta tác động vào, kích thước khoảng 1 - 2 cm, không gây ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân.

Nếu nang sán di chuyển đến và ký sinh trong não, người bệnh có khả năng sẽ bị co giật, động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, biểu hiện nói ngọng, loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Khi nang sán xuất hiện trong mắt, sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa.

 

Nang sán di chuyển vào não có thể gây đau đầu dữ dội

 

Trong trường hợp sán dây lợn trưởng thành ở ruột, chúng bắt đầu nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, sau đó tạo ra hàng nghìn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, dẫn đến chiều dài của sán trưởng thành có khả năng lên tới 2-12 m. Chu trình phát triển của chúng có thể kéo dài trong nhiều năm và không có biểu hiện rõ ràng. Về mặt lâm sàng, người bệnh thường có cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Ngoài ra, một vài trường hợp khi quan sát trong phân có thể phát hiện thấy trứng sán hoặc những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài (các đốt sán dây lợn thường là những đoạn nhỏ, dẹt, có màu trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, có thể nhận ra bằng mắt thường).

Nhiễm sán lợn có nguy hiểm không còn do thời gian nhiễm bệnh và thời điểm chữa trị. Bởi vì nhiễm sán thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng điển hình gì, cũng không gây sốt, nên đa số người bệnh sán lợn gạo thường không đi khám và điều trị. Hậu quả dẫn đến tình trạng nhiễm sán lợn dài ngày, gây suy giảm sức khỏe, rối loạn tiêu hoá, cơ thể dần trở nên gầy mòn, suy kiệt.

3. Điều trị và phòng bệnh sán dây lợn đúng cách

 

Phòng chống bệnh sán dây lợn đúng cách

Thông thường, khi phát hiện nhiễm sán dây lợn, bệnh nhân cần điều trị nội khoa (sử dụng thuốc để diệt sán). Trong trường hợp sán lợn gây chèn ép thần kinh, gây tắc mạch, giãn não thất hay ứ nước trong não, thì người bệnh cần thực hiện phẫu thuật.

Chủ động phòng ngừa nhiễm sán lợn gạo bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý nguồn chất thải thật tốt. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần sử dụng nguồn nước sạch, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa nhu cầu nước sạch còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là điều vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh sán dây lợn. Cần ăn chín uống sôi (nguồn nước phải được đun sôi, để nguội, rồi mới được sử dụng trực tiếp). Tuyệt đối không được ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tiết canh, nem) khi chưa nấu chín, tránh xa thịt lợn gạo và hạn chế ăn rau sống.

Chủ động phòng chống nhiễm sán dây lợn cho bản thân cũng là một cách để ngăn ngừa nhiễm sán cho người thân, gia đình và những người chung sống trong cùng khu vực.

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024