Nếu không bảo quản tốt các loại thực phẩm giò, chả, bánh chưng, canh măng,…. là nguyên nhân chính dẫn đến các ca, các vụ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết Nguyên đán.
Hương vị đậm đà của ngày Tết đến từ món Giò, chả
Theo văn hóa Việt Nam, các gia đình đều cố gắng dành dụm để tạo ra một không khí no đủ, thịnh soạn trong ngày Tết Nguyên đán, bởi vậy nhà nào cũng đầy ắp thức ăn: thịt cá, chả giò, thịt đông, bánh chưng, bánh tét, canh măng, bánh mứt, rượu bia... Đây đều là những loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, nếu không biết cách bảo quản tốt thì rất dễ dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm khiến niềm vui tận hưởng Tết không được trọn vẹn.
Vậy làm cách nào để có thể bảo quản được bánh chưng, giò, chả,…chúng ta hãy cùng tìm hiểu
* Bảo quản giò, chả:
Do được làm từ thịt lợn nạc, thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để được lâu. Nhiệt độ bảo quản thích hợp đối với giò, chả là dưới 25 độ C. Nếu bảo quản đúng cách, giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đông. Khi lấy giò lụa ra sử dụng, bạn nên để ở nhiệt độ bình thường khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ.
Sau khi cắt giò, chả ra ăn nhưng chưa dùng hết, chúng ta nên bọc kín mặt cắt của miếng giò chả sẽ giúp chúng không bị thâm, bị khô. Lưu ý khi chọn màng bọc thực phẩm cần chọn loại chất lượng của các nhà sản xuất uy tín. Bởi màng bọc kém chất lượng thường chứa những chất độc hại, có thể ngấm vào thức ăn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sau khi bọc kín, nếu thời tiết ngày Tết nóng nực bạn có thể để vào ngăn mát tủ lạnh, nếu thời tiết lạnh ngay cả để ở ngoài treo lên thì giò chả cũng không bị hỏng.
* Bảo quản bánh chưng:
Bánh chưng gắn liền với cái Tết cổ truyền Việt Nam
Bảo quản ở điều kiện bên ngoài
- Bước 1: Bánh chưng sau khi được nấu chín, bạn nên dùng nước sôi để nguội để rửa sạch các chất nhựa trong lá.
- Bước 2: Treo bánh tại nơi thoáng mát giúp bánh khô ráo hoàn toàn.
- Bước 3: Đặt bánh lên một tấm bìa và dùng vật nặng ém bánh chặt lại hơn. Với cách bảo quản này có thể bảo quản được bánh chưng khoảng 7 đến 10 ngày.
Bảo quản trong tủ lạnh
Bảo quản trong tủ lạnh có thể giúp kéo dài thời gian sử dụng của bánh chưng hơn. Cần để nguyên lá gói khi cất bánh vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nilông bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) bạn nên luộc, chiên hoặc hấp lại. Với cách bảo quản này có thể bảo quản được bánh chưng khoảng 15 đến 20 ngày.
* Bảo quản canh măng:
Canh măng là món ăn phổ biến của ngày Tết
Như chúng ta đã biết, măng khô là loại nguyên liệu có chứa độc tố tự nhiên. Vì thế, để tránh ngộ độc chúng ta cần xử lý măng trước khi chế biến: măng khô cần rửa sạch sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo, ngâm qua đêm (2- 3 đêm, thay nước hàng ngày) cho măng nở và trắng. Khi luộc măng cần cho nước ngập măng, luộc vài lần cho đến khi nước luộc măng trắng thì dừng, vớt ra rửa bằng nước lạnh cho sạch. Mỗi lần luộc 30 phút. Tuyệt đối không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc.
Món canh măng ngày Tết có thể nấu với nguyên liệu giò lợn hoặc thịt gà đều tạo ra một món ăn giàu dinh dưỡng. Khi nấu xong, canh cần được để nguội và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để sử dụng từ 5 cho đến 7 ngày. Tốt nhất ta chia thành nhiều phần nhỏ, khi ăn chỉ đem đủ lượng canh để hâm. Tránh rã đông nhiều lần đối với một nồi canh măng.