Tin tức

Phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị

Tin về ATTP | 23-06-2021 | 68 lượt xem

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế và đòi hỏi bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng cao, từ đó, việc đổi mới phương thức chăn nuôi và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất là một trong những giải pháp mà ngành nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững.

https://cdn.vietnambiz.vn/thumb_w/685/2019/10/25/tggc33-2-1571988387405205670594-crop-157198839116245420927.jpg

Ảnh minh họa: Dây chuyền giết mổ gia cầm xuất khẩu.

          Tỉnh ta được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển chăn nuôi. Với lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm,... đã tạo động lực cho ngành chăn nuôi phát triển, mở ra nhiều triển vọng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng đa dạng và an toàn cho người dân, từng bước hướng đến thị trường xuất khẩu. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi của tỉnh những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng tích cực, như: giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại, với hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; hình thành các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các trang trại đạt tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển chăn nuôi vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng của tỉnh; quy mô các trang trại chủ yếu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ lao động trong các trang trại hiện nay còn thấp; nhất là ở khu vực miền núi tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, nhiều trang trại chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định, còn ảnh hưởng đến môi trường; hầu hết các trang trại đều phải tự tìm kiếm đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa có thói quen đánh giá về thị trường trước khi quyết định đầu tư phát triển sản xuất nên vẫn còn tình trạng cung vượt cầu, bị thương lái ép giá. Sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh hết sức khó khăn với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên thị trường, do vậy sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo ra hiệu quả kinh tế như yêu cầu đặt ra.

          Trước khó khăn này, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp người chăn nuôi hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo báo cáo huyện Yên Định, nhiều năm qua xã Quý Lộc Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi đã khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi một phần đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển kinh tế trang trại tập trung, quy mô lớn. Trong quá trình phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, xã đã hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến về giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi VietGAP...; nhất là thu hút các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; nhiều chủ trang trại chăn nuôi gà liên kết sản xuất với Công ty CP Nông sản Phú Gia, cho biết: Các trang trại chăn nuôi đều được đầu tư lắp đặt hệ thống máng ăn, uống nước tự động, nên giảm chi phí thuê nhân công. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ cung ứng giống, thức ăn và dịch vụ thú y; đồng thời, cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên tư vấn, chăm sóc con nuôi và cam kết thu mua sản phẩm đạt chất lượng để giết mổ, chế biến.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã tập trung thu hút đầu tư; đồng thời, vận động, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn. Chú trọng việc nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi, chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Tại hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện Tập đoàn AVG Capital Partners, Liên bang Nga - Triển khai đầu tư Tổ hợp chế biến thịt lợn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, đánh giá: Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có các tuyến đường giao thông chính đi qua, như: Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh... có hệ thống đường sắt, đường hàng không, Cảng nước sâu Nghi Sơn... thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và có nguồn lao động dồi dào. Với những điều kiện thuận lợi đó, tập đoàn đã xây dựng kế hoạch đầu tư trang trại chăn nuôi lợn 5 triệu con/năm, diện tích ít nhất 1.000 ha. Trong đó, 43 trang trại lợn thương phẩm, 3 trang trại lợn lai; nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp, công suất 2 triệu tấn/năm; lò mổ và nhà máy chế biến, công suất 0,6 triệu tấn/năm, tổng diện tích khoảng 400 ha.

          Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty CP Nông sản Phú Gia đầu tư xây dựng 20 trang trại chăn nuôi tại các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân; đồng thời, liên kết với Tập đoàn VietAvis (Hungary) đầu tư xây dựng và đưa nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu tại huyện Hoằng Hóa, công suất giết mổ giai đoạn 1 đạt 2.500 con/giờ; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc ở hầu hết các địa phương có điều kiện về đất đai, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kiểm soát dịch bệnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Như Thanh, Thọ Xuân...  Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cũng tham gia phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Như chuỗi liên kết chăn nuôi gà gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần; ngoài ra, Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Happy Farm Việt Nam hiện đang triển khai chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, với 50 trang trại chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 150.000 con gà thương phẩm/lứa.

          Thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi ngày càng khẳng định được hiệu quả, khi mà lợi nhuận kinh tế trung bình từ mỗi trang trại chăn nuôi đạt từ 1 đến 3 tỷ đồng/lứa, cá biệt có trang trại lợi nhuận đạt tới 5 đến 7 tỷ đồng/lứa. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 50% tổng đàn gia cầm, 70% tổng đàn lợn thịt, 60% tổng đàn bò thịt chất lượng cao và 100% tổng đàn bò sữa được các tập đoàn, doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Để đạt được mục tiêu đặt ra, cũng như phát triển chăn nuôi một cách bền vững theo chuỗi giá trị, các địa phương cần quy hoạch các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể; đồng thời, phát triển chăn nuôi công nghiệp kết hợp với truyền thống và hữu cơ; có giải pháp sản xuất cho năng suất tốt, chất lượng cao nhưng giá thành có tính cạnh tranh; bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tập trung đầu tư đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”; khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Đồng thời, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng những chính sách hỗ trợ để các trang trại mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, xây dựng và phát triển các chuỗi có chứng nhận VietGAP; đồng thời, có các cơ chế thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, hệ thống trang trại chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, bảo đảm đầu ra ổn định. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chăn nuôi trên các sàn giao dịch nông sản để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên kết. Đối với các doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư ban đầu xây dựng trang trại và các trang thiết bị đầu vào cho các trang trại nằm trong hệ thống gia công, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thu mua sản phẩm theo đúng hợp đồng... Đối với các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi cần chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường; tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; qua đó, tạo động lực khuyến khích người chăn nuôi tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, bền vững.

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024