Tin tức

Phát hiệu nhiều chất nguy hại cho sức khỏe có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Tin Sưu tầm | 17-06-2021 | 29 lượt xem

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng chứa chất cường dương, chất tạo nạc, chất tăng chuyển hóa mỡ... gây nguy hại cho sức khỏe.

          Ngày 19.3.2021, tại TP.HCM, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo thông tư quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho các tỉnh phía nam. Theo dự thảo thông tư, có 818 chất thuộc danh mục là chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Phát hiện nhiều chất có hại trong thực phẩm

          Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong những năm qua, đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đã đưa ra thị trường rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng, góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Thu giữ, tiêu hủy thực phẩm bảo vệ sức khỏe trái phép

          Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận, đã bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng các chất làm thuốc, phải được kê đơn của bác sĩ, hoặc sử dụng các chất có hại cho sức khỏe, hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, đã phát hiện rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các chất sau: Chất cường dương: Sildenafil, Tadalafil... Chất tăng chuyển hóa mỡ: Sibutramine, Phenolphalein… Chất kích thích ăn ngon: Cyprohetadine… Chất tạo nạc như Salbutamol. Các corticoid trong các sản phẩm hỗ trợ xương khớp: Dexamethasone, Prednisolone... Các chất tăng chuyển hóa đường: Fenphormin, Metformin.

          Cần ban hành danh mục chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe

          Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, tại Điều 317 luật Hình sự quy định tội phạm vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.

          Tuy nhiên, luật Hình sự và các văn bản quy định của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng là những chất nào (chưa có danh mục cụ thể).

          Do đó, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở, khoảng trống của pháp luật, sử dụng các chất nêu trên trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sự vi phạm này chưa được xử lý một cách thích đáng, chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm về hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng các chất trên trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn xảy ra thường xuyên.

          Để bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, đồng thời bảo đảm công bằng quyền lợi giữa các doanh nghiệp và có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm thì cần phải có danh mục các chất cấm cụ thể.

          Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đến từ Viện Pasteur và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng đồng tình với việc ban hành danh mục chất cấm này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần xem xét, xử lý những doanh nghiệp bỏ chất khác có hại vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nếu muốn sử dụng chất đó thì phải công bố…

          PGS-TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, các chất ngoài danh mục chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu phát hiện được rất khó xử lý vì không có luật. Nhưng nếu quá trình quản lý phát hiện được và chứng minh là chất đó có độc thì sẽ đưa vào danh mục quản lý để có cơ sở xử lý. Sắp tới đây, ngành y tế cũng sẽ có một thông tư sửa đổi các thông tư quy định về an toàn thực phẩm cho phù hợp với thực tiễn.

 

818 chất cấm

Theo dự thảo thông tư, có 818 chất thuộc danh mục là chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Các chất có trong phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất” ban hành theo Nghị định 54/2017 ngày 8.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược.

Danh mục I "Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục IVA "Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy" ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018 ngày 15.5.2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Phụ lục I “Danh mục Dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20.2017 ngày 10.5.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của luật Dược và Nghị định 54/2017 ngày 8.5.2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Danh mục thuốc độc và nguyên liệu độc dùng làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017 ngày 3.5.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc.

Phụ lục I “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật”; Phụ lục II “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc động vật”; Phụ lục III “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật” ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017 ngày 13.11.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, như vậy, khi thông tư có hiệu lực, nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa 818 chất cấm trong danh mục thì sẽ bị xử lý nghiêm, có thể bị truy tố hình sự.

 Nguồn: Thanhnien.vn

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024