Tin tức

Ngộ độc rượu nguyên nhân và biện pháp phòng tránh

Tin về ATTP | 21-03-2022 | 48 lượt xem

Ngộ độc rượu nguyên nhân và biện pháp phòng tránh

 

Hiện nay, trên thị trường trong nước có bán rất nhiều loại rượu có nguồn gốc khác nhau, đó là rượu sản xuất trong nước và rượu nhập khẩu từ nước ngoài. Rượu sản xuất trong nước gồm rượu lên men, ủ nấu theo cách truyền thống của dân gian mà dân gian gọi là rượu gạo, rượu trắng, rượu ngâm với các loại trái cây, củ, thân cây; rượu nhập khẩu từ các nước hiện nay được chia làm 02 loại: một loại được sản xuất từ các nước có truyền thống lâu đời (Old World Wine Countries) như: France, Spain, Italy, Germany, Portugal,….; loại khác được sản xuất từ các mới phát triển về rượu (New World Wine Countries) như California, Oregon, Argentina, Chile, Australia, New Zealand, and South Africa; trong các loại rượu nhập khẩu vào nước ta cũng mang nhiều dòng rượu khác nhau như rượu Whisky, Cognac, Amagnac, Vodka, rượu vang đỏ, vang trắng. Trong tất cả các loại rượu thì rượu trắng nấu bằng gạo là phổ biến nhất ở mọi địa phương vì nó vừa phù hợp với thói quen sử dụng vừa phù hợp điều kiện kinh tế của đa số người dân do giá thành rẻ hơn các loại rượu khác.

 

 

Hình ảnh minh họa

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên thị trường có bán rượu giả, rượu nấu trôi nổi không rõ nguồn gốc chứa nhiều methanol không đảm bảo an toàn thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng say hay ngộ độc rượu cấp tính và các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe như: xuất huyết dạ dày, khó thở do thiếu oxy, đột tử hoặc tình trạng nghiện rượu sẽ sinh ra các bệnh lý như bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần/hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc và bệnh tim mạch... 

Trước khi nói đến tác hại của rượu thì cũng xin nói thêm đường đi của rượu khi vào trong cơ thể: 100% lượng rượu uống vào sẽ hấp thu hết vào máu, lượng rượu này sẽ thải qua phổi và qua thận chỉ khoảng 5%, phần còn lại sau một thời gian tích lũy ở trong máu và các bộ phận cơ thể sẽ được gan chuyển hóa dần, sau cùng thành nước, khí carbonic (CO2) và mỗi gam rượu cho ra 7 Kcalori năng lượng.

Rượu được hấp thu ngay từ ly đầu tiên khi vào đến bao tử và đi thẳng vào máu, chỉ khoảng 30 phút – 1 giờ nồng độ rượu đã đạt đến đỉnh. Sau đó lượng rượu được hấp thu chậm dần vì phải đợi cơ thể chuyển hóa dần lượng rượu trong máu. Dù ta uống rượu vào cơ thể nhiều hay ít thì cơ thể cũng chỉ chuyển hóa một mức nhất định, gọi là "hệ số oxy hóa rượu".

Trong khi chờ đợi chuyển hóa, rượu theo máu đến gần hết các cơ quan với mức độ khác nhau, so với tỉ lệ nồng độ rượu trong máu là 100% thì rượu ở Não chứa 80%, ở Thận chứa 75%, ở các Cơ chứa 63%, riêng Gan chứa 62% vì lúc đó gan đang chuyển hóa rượu.

Hệ thần kinh là tổ chức chịu đựng rất nặng nề và có biểu hiện sớm nhất. Rượu làm giãn mạch máu não, tăng khối lượng não tạo ra giai đoạn đầu là kích thích nên nói nhiều, nói lưu loát và có vẻ như sáng ra. Bước tiếp theo là rượu làm sự ức chế lan rộng khắp, đến vùng tiểu não làm cho mất thăng bằng, giảm phản xạ nên dễ bị tai nạn giao thông khi lái xe; ức chế lan rộng đến các trung khu khác làm giảm nhịp thở, giảm nhịp tim, hạ thân nhiệt, nếu thấy bệnh nhân thở hổn hển là có tình trạng thiếu Oxy…

Hấp thụ và phân hủy rượu trong cơ thể

Ethanol trong rượu có vị nồng, giúp cải thiện tình trạng chán ăn. Khi vào cơ thể qua đường uống, quá trình hấp thụ và phân hủy ethanol bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng, được hấp thụ trên toàn tuyến tiêu hóa và đi thẳng vào máu, từ máu vào gan và phân hủy một phần lớn ở gan.

Như số liệu nghiên cứu cho rằng rượu vào cơ thể được hấp thu nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết rồi rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Các yếu tố làm tăng khả năng hấp thụ rượu vào máu, nhưng lại cản trở việc phân hủy rượu gồm đường (trong các loại rượu ngọt), CO2 (đồ uống có ga). Cơ thể loại trừ một phần nhỏ ethanol bằng con đường bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, sữa mẹ, phần còn lại được biến đổi do oxy hóa và cho năng lượng.

Ngộ độc rượu và các bệnh do rượu

Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh; ngộ độc rượu (say rượu) là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.

-  Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong.

-  Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.

* Một số bệnh gây ra do uống rượu: Viêm gan do rượu;  Sảng run (rối loạn ý thức kiểu mê sảng hay rối loạn về thần kinh như toàn thân run lập cập, nói chuyện lắp bắp không rõ ràng); Bệnh gout; Bệnh tim mạch; Bệnh phổi; Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng …

 Ngộ độc do methanol

Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một sản phẩm của quá trình điều chế cồn công nghiệp. Methanol, còn được gọi là metylic ancohol, là rượu có công thức hóa học đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy với một mùi đặc trưng, rất giống ethanol; Methanol là chất rất độc, với lượng nhỏ gây mù, nhiều hơn có thể tử vong dễ dàng. 

Để hạ giá thành sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất đã pha methanol vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người.

Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, gây suy thận cấp, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề.

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống hoặc có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn:

Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu): triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc không được phát hiện.

Giai đoạn biểu hiện ngộ độc: nôn mửa, đau bụng, phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo; giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi; trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế hoặc ngộ độc nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong.

Xử lý khi ngộ độc rượu và biện pháp phòng tránh

Xử lý ngộ độc rượu: Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Nếu bệnh nhân không tỉnh hoặc tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Một số biện pháp phòng tránh ngộ độc rượu:

-  Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa10g cồn), tương đương:  30ml rượu mạnh (40-43 độ);  100ml rượu vang (13,5 độ); 330ml bia hơi (5 độ);  2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ).

-  Không mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác;

-  Không uống rượu tự pha chế, ngâm lá, rễ khi không biết rõ về độc tính của nó.

Ngoài ra, mọi người dân cần tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi.

Từ xa xưa, rượu là một thức uống quen thuộc đối với người dân, thường dùng trong các dịp lễ nghi tôn giáo, tiệc chúc mừng cũng như đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, rượu bia là con dao hai lưỡi, nó có thể làm hại người dùng bất cứ lúc nào. Bởi vậy, mỗi người sử dụng nên dùng chúng một cách hợp lí để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và sự an toàn cho những người xung quanh. Mỗi cá nhân cần ý thức rõ tác hại nghiêm trọng của rượu với cơ thể để tránh xa loại “độc dược” này./.

 

 

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024