Trong thời gian qua, công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thực phẩm, nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh tích cực phát triển sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này; tổ chức ký cam kết và tổ chức kiểm tra việc cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đối với các cơ sở có liên quan; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống kiểm soát chất lượng cho lực lượng quản lý các cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý chất lượng ATTP. Tích cực công tác kiểm tra hậu kiểm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ATTP,…
Hình ảnh: Cơ sở sở sản xuất thực phẩm an toàn tại thành phố Thanh Hóa
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 240.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện quản lý; trong đó, 1.516 cơ sở thuộc diện quản lý của cấp tỉnh, 11.257 cơ sở thuộc diện quản lý của UBND cấp huyện, 228.076 cơ sở thuộc diện quản lý của UBND cấp xã. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và gần 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã dần nhận thức rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với sức khỏe con người, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để quản lý, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn, ngày càng phát huy hiệu quả. Quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực; đã hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Một số địa phương trong tỉnh đã mở rộng quy mô sản xuất, chủ động liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn, thu hút được nhiều doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh đầu tư. Những vấn đề gây bức xúc về thực phẩm nông, lâm, thủy sản không an toàn trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và giảm cả số lượng, mức độ và hiện tượng. Việc kiểm soát các nguy cơ mất ATTP có nhiều chuyển biến, tình hình ngộ độc thực phẩm ở mức thấp. Các phong trào thi đua, mô hình, điển hình tiên tiến, sáng tạo về bảo đảm ATTP được nhân rộng, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Những kết quả trên đã góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ, nguy cơ mất ATTP còn cao; thói quen lạm dụng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích sinh trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến không đúng quy trình, quy định còn khá phổ biến, chưa định danh được các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc tồn dư trong thực phẩm. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là ở các cơ sở nhỏ lẻ và kinh doanh sản phẩm tươi sống chưa bảo đảm vệ sinh thú y và ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP chiếm tỷ lệ còn cao, nhất là các cơ sở vừa và nhỏ... Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP vẫn chưa sâu rộng đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân. Công tác quản lý điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được thực hiện nhưng chủ yếu theo kế hoạch, công tác hậu kiểm chưa thường xuyên, kịp thời. Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhiều nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, hiệu quả đạt được chưa cao.
Trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Tăng cường hợp tác liên kết vùng với các tỉnh, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng.