Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho thủy, hải sản, ngoài sản xuất con giống, nuôi thương phẩm bảo đảm quy định thì quá trình khai thác, chế biến thủy sản... cũng cần phải chú ý các điều kiện an toàn.
Hình ảnh: Cơ sở sản xuất thủy hải sản xuất khẩu, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).
Nuôi thủy, hải sản quy mô lớn, tập trung, theo hướng liên kết cùng phát triển, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các hộ nuôi đã góp phần khống chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và giúp kiểm soát tốt lượng lớn chất thải nhờ việc chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến. Theo báo cáo tại huyện Nga Sơn, đến nay toàn huyện đã có hàng trăm ao nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc ao nuôi, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị tự động kiểm tra, kiểm soát các yếu tố lý hóa (oxy, độ PH, nhiệt độ...) trong môi trường ao nuôi và gửi thông tin trực tuyến đến chủ hộ. Nhờ đó, đã giảm được chi phí, thuận lợi trong quản lý ao nuôi, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các ao nuôi. Điển hình như mô hình nuôi tôm của ông Phạm Văn Hiếu, ở thôn 4, xã Nga Tân với diện tích 1 ha, những năm trước đây, ông đã đầu tư nuôi tôm theo hướng quảng canh, do không chủ động được nguồn nước, không kiểm soát được dịch bệnh nên nhiều vụ nuôi thất bại. Để khắc phục tình trạng này, ông Hiếu đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây 5 bể nổi có mái che, với diện tích 2.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Từ đó, đã kiểm soát được dịch bệnh và các điều kiện tự nhiên nên hiệu quả từng bước được khẳng định, thu nhập đạt hàng tỷ đồng/năm.
Bên cạnh bảo đảm vệ sinh trong nuôi trồng, việc bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh trong khâu chế biến thủy sản cũng được nhiều đơn vị coi trọng. Theo quy định, các cơ sở chế biến cần có đầy đủ các điều kiện về thủ tục hành chính cũng như cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thủy sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp; có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác. Ngoài ra, nhà xưởng và trang thiết bị phục vụ cho quá trình chế biến phải phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản... Tại Công ty TNHH Xuất khẩu thủy sản Fxpt ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) chuyên chế biến hải sản xuất khẩu với tổng sản lượng xuất ra thị trường đạt khoảng 1 tấn/ngày. Ngay từ khi xây dựng nhà máy, công ty chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ. Trong đó, có gần chục phòng chức năng gồm nhiều khu riêng biệt: Văn phòng, khu sơ chế, khu đóng gói, kho chứa nguyên liệu... Riêng khu sơ chế được xây bằng kính, ốp tường, làm nền và lắp điều hòa để ngăn chặn côn trùng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu chí đặt ra công ty: “Thị trường tiêu dùng nội địa hay xuất ra nước ngoài thì chất lượng sản phẩm cũng phải đặt lên hàng đầu, luôn quan tâm đến các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.
Nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương trong việc hướng dẫn ngư dân tăng cường đầu tư sử dụng các vật liệu bảo đảm chất lượng để bảo quản sản phẩm. Khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thủy, hải sản sau khai thác. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.