Thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, có vụ vài người, vài chục người, thậm chí có vụ hàng trăm người. Vậy làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm?
Hàng trăm người cùng nhập viện.
Vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường mầm non Vườn Mặt trời. Khoảng 11h ngày 23-12-2019, trường đưa hàng chục trẻ đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu với triệu chứng buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau bụng nghi do bị ngộ độc thực phẩm. Chiều cùng ngày, có tổng cộng 130 học sinh của trường này được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám, cấp cứu với các triệu chứng tương tự. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm thực phẩm trung ương (Bộ Y tế) cho thấy các học sinh của Trường mầm non Vườn Mặt Trời bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu trong nhân bánh cuốn. Món bánh cuốn này do một cơ sở trên địa bàn phường Đông Vệ cung cấp cho nhà trường.
Vụ ngộ độc thực phẩm tỉnh Gia Lai làm cho 175 người phải nhập viện nguyên nhân là do ăn xôi của đoàn từ thiện tặng.Vụ việc xảy ra vào lúc 8 giờ ngày 04/12/2020, đoàn từ thiện Từ Tâm (thành phố Cần Thơ) phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ huyện Chư Pưh – Gia Lai tổ chức tặng quà cho 200 bệnh nhân phong và người nghèo tại đây. Trong quá trình tặng quà, đoàn có phát cho mỗi người dân 1 gói xôi để ăn. Điều đáng nói, xôi này được nấu từ trưa ngày 03/12, đựng trong túi nilon.Tính đến sáng 5/12, tổng số bệnh nhân nhập viện là 175 người.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2020 vừa qua, 150 người ở xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh đã nhập viện sau khi ăn cỗ khánh thành chùa với các biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Cơ quan chức năng cho biết, người cung cấp thực phẩm không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh.
Mới đây,tối ngày 20/6/2021, 29 công nhân Công ty TNHH Điện tử Chilisin (KCN VSIP Hải Phòng) được đưa vào nhập viên cấp cứu với biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ca. Nguyên nhân được xác định là đơn vị cung cấp và chế biến thực phẩmbữa ăn cho Công ty không chấp hành đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, sổ kiểm thực ghi chép không đúng quá trình chế biến thực phẩm và không lưu mẫu thực phẩm.
Ngoài ra, còn nhiều các vụ ngộ độc khác như ăn phải nấm độc, ngộ độc do các suất ăn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, tại các hàng quán dọc đường…Các nguyên vật liệu cho bữa cỗ được mua ở chợ, không có hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
Qua thực tế cho thấy các vụ ngộ độc đều liên quan đến bếp ăn tập thể, ăn uống tập trung hay cùng mua sản phẩm từ một cửa hàng, nhãn hiệu đồ ăn, thậm chí là các suất ăn từ thiện…
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc thực phẩm đông người là từ các suất ăn chế biến sẵn. Qua kiểm tra giám sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Thạc sĩ, Bác sĩ Hà Văn Giáp, Quyền Chánh Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính.
Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như nấm độc, cá nóc…).Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản và chế biến thực phẩm như: Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc,nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn…
Biểu hiện bệnh ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình như: sau ăn uống, xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu điển hình thì sẽ có từ hai người trở lên cùng bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh.
Nếu chỉ có các triệu chứng tiêu hóa và bệnh nhân có thể uống được nước thì nên cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối,…Các trường hợp nặng, phức tạp như nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ rội liên tục, sốt cao 39 độ C; rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, lơ mơ, bất tỉnh… cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm theo Thạc sĩ, Bác sĩ Hà Văn Giáp khuyến cáo người dân cần chú ý tuân thủ các hướng dẫn về an toàn thực phẩm.
Các thực phẩm nhanh bị ôi thiu và dễ gây ngộ độc do vi khuẩn là các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa, giàu chất đạm, nhất là lại chế biến qua nhiều khâu, như tiết canh, lòng lợn, hải sản, canh cua, đậu phụ, pate, các thức ăn giàu chất đạm nhưng chứa nhiều nước (dạng nhão hoặc lỏng),…Do đó, nấu xăn vừa đủ, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân ta không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh.
Cần ăn chín, uống sôi; lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, lựachọn và bảo quản thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, đảm bảo các nguyên tắc chế biến cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trên địa bàn, trong đó bảo đảm toàn bộ bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không có đơn vị không bảo đảm an toàn thực phẩm được phép hoạt động.
Các đơn vị phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng./.