Tin tức

Một số biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học

Tin về ATTP | 16-07-2021 | 182 lượt xem

Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được đặt lên hàng đầu, trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Đối với ngành giáo dục, công tác bảo đảm ATTP càng được coi trọng, nhất là tại các bếp ăn tập thể. Vì vậy, các trường học trên địa bàn tỉnh đang siết chặt công tác quản lý, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

          Thanh Hóa hiện có hơn 750 bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, chỉ có các trường tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa hợp đồng với công ty chuyên cung cấp suất ăn, còn lại hầu hết các trường tự tổ chức bếp ăn bán trú. Các trường đã đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều; chú trọng kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện ATTP trong các nhà trường. Theo báo cáo, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP trong trường học; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân; tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho đối tượng liên quan. Phối hợp với ngành giáo dục trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho giáo viên bậc mầm non, tiểu học cũng như cấp dưỡng tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP tại các trường học, nhằm giúp các nhà trường hoàn thiện quy trình chế biến suất ăn bán trú bảo đảm ATTP, phát hiện kịp thời các vi phạm, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại trường học.

 

Hình ảnh: Lưu mẫu thực phẩm tại trường mầm non.

          Theo báo cáo của Phòng Giáo dục thành phố Thanh Hóa: Trường Mầm non Đông Vệ (TP Thanh Hóa) có hơn 250 học sinh ở 11 nhóm lớp. Nhận thức được tầm quan trọng hàng đầu của ATTP trong bếp ăn bán trú, thời gian qua nhà trường rất chú trọng công tác bảo đảm ATTP trong công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Vì thế bữa ăn của các cháu đều bảo đảm yêu cầu dinh dưỡng. Trong nhiều năm thực hiện tổ chức bán trú không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

          Để bảo đảm công tác ATTP, khu vực nhà ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm: khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, để thức ăn chín và khu xử lý chất thải. Thiết bị, đồ dùng nhà bếp như tủ lưu mẫu thực phẩm, tủ ga... được trang bị đầy đủ. Nhà trường đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hàng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ trong sự giám sát chặt chẽ của ban giám hiệu, cán bộ y tế, thủ kho và nhà bếp. Bếp ăn của nhà trường có 04 nhân viên nấu ăn đều đã qua tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ hàng năm, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn. Trong quá trình chế biến, tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh ATTP. Đặc biệt công tác kiểm thực theo đúng 3 bước và lưu mẫu được chỉ đạo, thực hiện một cách nghiêm ngặt, lưu mẫu đúng định lượng, đúng thời gian quy định, có chữ ký người lưu, dán niêm phong.

          Để bảo đảm ATTP trên địa bàn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, theo khuyến cáo của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa: Các trường học có bếp ăn bán trú phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Mặt khác, các trường học nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định để truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Đối với các trường có hợp đồng cung cấp suất ăn chế biến sẵn cũng phải lưu mẫu, bảo đảm đủ khối lượng đối với mỗi món ăn; thời gian lưu ít nhất là 24 giờ; mẫu lưu phải được đựng trong hộp kín, niêm phong, có nhãn ghi tên món ăn, ngày giờ lưu; mẫu được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (0 độ C đến 5 độ C).

          Đối với người trực tiếp chế biến, cho trẻ ăn cần tuân thủ các quy định khám sức khỏe định kỳ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi bắt đầu công việc. Đồng thời phải trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng chủng loại. Nhà trường cần phối hợp với hội cha mẹ học sinh, ban kiểm tra, công đoàn... kiểm tra, theo dõi thường xuyên, đột xuất khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho các cháu. Bên cạnh đó nhà trường cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục ATTP đối với học sinh, thầy cô giáo và nhân viên; đưa nội dung ATTP vào các giờ hoạt động chung, nhằm giúp học sinh tích cực tham gia giữ vệ sinh, rèn thói quen vệ sinh cá nhân để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học. Đồng thời các trường cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

                                                                                       

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024