Mô hình mới này giúp phòng chống dịch bệnh, cung cấp thực phẩm thịt sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và các vấn đề an ninh trật tự trong khu dân cư...
Đó là hiệu quả mang lại từ đề tài “Xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái” của các tác giả Trương Công Thành, Nguyễn Văn Hưng và Lê Thanh An (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế).
Nhóm tác giả cho hay, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã quy hoạch, xây dựng được hơn 30 cơ sở giết mổ gia súc tập trung; tuy nhiên cácđiểm giết mổ, gia súc nhỏ lẻ trong hộ gia đình vẫn còn tồn tại. Ứớc tính trong một ngày đêm, trung bình giết mổ 100 con trâu bò, 2.000 con lợn và 3.000 con gia cầm. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường.
“Các cơ sở này chỉ mới đáp ứng được một số tiêu chí như hạn chế ô nhiễm môi trường, kiểm soát được vấn đề dịch bệnh gia súc gia cầm, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ gia súc gia cầm sang người, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước trong hoạt động kinh doanh giết mổ gia cầm gia súc... nhưng chưa đảm bảo về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm”- TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Được sự quan tâm cấp vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh Thừa Thiên Huế và đối ứng của chủ lò mổ (cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và các trang thiết bị dụng cụ giết mổ, nhân công), nhóm tác giả đã xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ cao, an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái tại phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy).
Theo tìm hiểu, gia súc được nhập vào cơ sở giết mổ nuôi nhốt tại chuồng dự trữ. Trước khi giết mổ, gia súc được dẫn đến chuồng tắm bằng các vòi phun nước tự động. Sau đó, gia súc được dẫn đến khung gây choáng bằng chích điện. Tiếp theo, gia súc được palan thứ nhất đưa đến chỗ lấy huyết - chảo trụng lông - sàn Inox làm sạch lông, dùng nước phun rửa gia súc thật sạch, cắt đầu.
Tiếp đó, gia súc được treo vào một palan thứ hai (móc hai chân của gia súc vào hai móc Inox), palan thứ 2 nâng gia súc lên treo vào hai ống dẫn truyền để mổ tách lòng, chẻ gia súc làm đôi. Cuối cùng, cán bộ thú y kiểm tra đóng dấu Kiểm soát giết mổ. Thịt gia súc được chuyển đến các bàn pha lóc hoặc vận chuyển đưa đi các chợ tiêu thụ.
“Khi gia súc được đưa vào giết mổ này thì sẽ được tắm rửa trước, trong và sau khi giết mổ bằng hệ thống vòi nước tự động và vòi xịt bằng tay; không múc nước trực tiếp vào bể chứa làm giảm nguy cơ nhiễm vi sinh vật và chất bẩn vào thịt do công nhân trực tiếp dùng xô chậu múc trực tiếp ở bể chứa. Gia súc được gây choáng trước khi lấy tiết, làm cho gia súc không bị stress dẫn đến giảm chất lượng thịt. Đồng thời, tiếng ồn giảm rất nhiều do quá trình cố định chọc tiết khi gia súc đang sống nên có tính nhân đạo cao...”- Trương Công Thành nói.
Hiệu quả kinh tế mà mô hình này đem lại chính là đã giúp hạn chế ô nhiễm thịt, nâng cao giá trị sản phẩm thịt từ giết mổ theo công nghệ sạch khi nhập vào khách sạn, nhà hàng, siêu thị. Mặt khác, mô hình còn làm tăng năng suất lao động, hạ chi phí sản xuất trong hoạt động mổ, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với thịt từ các lò mổ khác trên địa bàn tỉnh.,Mô hình còn góp phần đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự trong khu dân cư vì giảm tiếng ồn.
Được biết, mô hình tại phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) được nhiều chủ kinh doanh giết mổ đánh giá phù hợp, áp dụng được tại các lò mổ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có trên 5 cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng mô hình này, mang lại những hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
“Sắp tới, mô hình này sẽ được triển khai nhân rộng cho các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh, góp phần triển khai tốt quyết định 1590/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 về việc phê duyệt quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020. Đây cũng là mô hình chuẩn để tham quan, học tập cho các địa phương khi xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc tập trung hoặc nâng cấp các cơ sở hiện có để đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm”, nhóm tác giả chia sẻ.