Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Nông Cống đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa quy mô lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thị trấn Nông Cống cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch đất đai, chú trọng tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cung ứng đủ giống, thường xuyên kiểm tra bám sát tình hình sản xuất, làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại và chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đồng thời, huyện tích cực huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh và huyện đã đề ra; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ hàng năm tại các địa phương. Năm 2020, huyện đã phân bổ hàng tỷ đồng để hỗ trợ phát triển các mô hình; trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả, phát triển thủy sản công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Hiện, huyện Nông Cống đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 25 ha tại các xã Thăng Long, Vạn Thắng, Vạn Hòa, Công Liêm, Trường Sơn; xây dựng và hình thành vùng sản xuất hoa tập trung, hình thành 5 khu sản xuất công nghệ cao tại các xã Trung Chính, Tế Lợi, Thăng Long, Trường Sơn và thị trấn Nông Cống; 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến tại các xã Trung Thành, Hoàng Giang.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đã góp phần rất lớn, mở ra cơ hội cho huyện phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đưa cơ giới vào sản xuất. Đến nay, trên 90% diện tích canh tác sau dồn đổi được áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, góp phần giảm đáng kể công lao động trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác. Huyện cũng đã chuyển đổi linh hoạt 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thủy cầm kết hợp trồng lúa, trồng cây có giá trị kinh tế cao, như: cây dược liệu, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm lợi thế của huyện, như gạo chất lượng cao, rau an toàn.
Trong chăn nuôi, từng bước chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; cơ cấu các giống con nuôi có hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn VietGAP, như: dê sinh sản, lợn hữu cơ, lợn nái ngoại, gà hữu cơ, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... Đến nay, tỷ lệ đàn bò lai đạt 100%; đàn lợn hướng nạc chiếm trên 85%; xây dựng 5 vùng quy hoạch chăn nuôi trang trại với diện tích 185 ha tại các xã: Tân Khang - Tân Thọ, Trung Thành - Tế Thắng, Tế Lợi - Minh Nghĩa, Trường Giang - Trường Sơn, Công Chính - Yên Mỹ. Xây dựng 4 cơ sở giết mổ tại 4 vùng của huyện, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được chú trọng, tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị; xây dựng được một số mô hình thủy sản, như: tôm công nghiệp nước lợ, tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt ứng dụng công nghệ cao và đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.100 ha.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều dự án lớn đã được đầu tư vào địa bàn huyện như: dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ với quy mô 20.000 con; dự án sản xuất cây rau má và cây dược liệu tại xã Tượng Sơn; dự án sản xuất mùn hữu cơ xuất khẩu tại xã Vạn Thắng. Huyện cũng đã thành lập được các HTX chăn nuôi, như: HTX chăn nuôi bò sữa nông hộ công nghệ cao tại Yên Mỹ, HTX nuôi trồng thủy sản tại Trường Giang; HTX chăn nuôi dê an toàn sinh học tại Hoàng Sơn...
Năm 2020 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Nông Cống đạt 2.396,8 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 106 triệu đồng/ha. Thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt và chế biến.
Nguồn: Baothanhhoa.vn