Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhiều nước đối tác của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều mặt của đời sống KT-XH. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có nông nghiệp ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý I, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực đạt 89 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2020. Rủi ro đối với thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi không cao.
Các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam
chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá; riêng thị trường EU có xu hướng giảm.
Bộ NN&PTNT kiến nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp: Điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; thuận lợi hoá thông quan, hạ tầng logistic; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lớn cũng đã thảo luận, chia sẻ các khó khăn và đề xuất hỗ trợ.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, những tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá đạt 4,2%; sản lượng các loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 40 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường 30 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu bộ tháo gỡ khó khăn; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến các địa phương, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đề nghị Bộ Công thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặt biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.
Phát biểu sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu Sở NN&PTNT, tiếp tục duy trì sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra và tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai để có những kịch bản ứng phó, bảo đảm ổn định sản xuất của người dân; Sở Công thương cần sát sao để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các DN xuất khẩu. Đồng thời, cần có những điều tra, đánh giá toàn diện về hiệu quả của các chuỗi sản xuất- tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Cục Quản lý Thị trường cần tăng cường quản lý chất lượng hàng hoá, vật tư sản xuất nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi của nông dân, người sản xuất, tiêu dùng; Hiệp hội Doanh nghiệp cần tuyên truyền, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn: Thanhhoa.gov.vn