Nước ta là nước nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nóng ẩm ở nước ta là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn và nấm phát triển. Đặc biệt tại miền Bắc, Bắc Trung Bộ, thời điểm chuyển giao khí hậu thường là giai đoạn dễ làm con người mắc bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp như cúm, nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm mũi họng). Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, vi khuẩn dễ tấn công sâu hơn vào cơ thể gây viêm phổi, các nhiễm trùng toàn thân.
Biện pháp tốt nhất hiện nay là nâng cao đề kháng của cơ thể. Trong thực hành dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, chúng ta cần tuân thủ các bước sau đây:
1. Rửa tay trước khi ăn
Bạn cần rửa tay bằng xà phòng, dưới vòi nước sạch, tối thiểu 20 giây sau mỗi lần đi vệ sinh và trước khi ăn; khi nhìn thấy những vết bẩn trên tay. Nếu bạn đang ho, sổ mũi thì cần đeo khẩu trang liên tục, đảm bảo che kín miệng mỗi lần ho; rửa tay sau mỗi lần xì mũi hoặc khi tay tiếp xúc vào các dịch tiết ở mũi và họng. Trong trường hợp không có xà phòng và nước thì sử dụng cồn 70 độ xoa đều khắp bàn tay. Không đưa tay lên mắt, vào mũi và vào miệng nếu chưa rửa tay.
2. Tăng cường vận động thể lực
Vận động thể lực giúp tế bào tăng cường trao đổi chất, tăng đề kháng cho cơ thể. Tăng dần mức độ vận động tùy thuộc thói quen vận động hàng ngày của cơ thể. Tránh luyện tập, vận động quá mức, khi cơ thể chưa kịp thích nghi vì làm cơ thể bị mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh.
3. Đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, hợp lý
- Đảm bảo năng lượng khẩu phần: đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, tránh ăn quá no hoặc để cơ thể quá đói.
- Đảm bảo đủ chất đạm cho khẩu phần:
Đạm (protein) là thành phần cấu trúc nên các phân tử có vai trò miễn dịch trong cơ thể. Do đó khẩu phần cần đảm bảo đủ chất đạm. Chất đạm nên cân đối từ nguồn động vật (thịt, cá/tôm, trứng, sữa) và từ nguồn thực vật (các loại đậu, đỗ)
- Đủ vitamin và khoáng chất
Các vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong hình thành miễn dịch cho cơ thể. Vitamin và khoáng chất, ngoài lượng sẵn có trong thực phẩm cung cấp chất đạm, còn có nhiều trong rau xanh và trái cây. Do đó, người trưởng thành mỗi ngày cần đảm bảo 400-500gr rau/ngày.
Với những người mà khẩu phần ăn không đảm bảo đa dạng, hoặc đang mắc bệnh, hoặc dễ bị ốm có thể cân nhắc bổ sung viên/dung dịch cung cấp nhiều loại vi chất dinh dưỡng (multivitamin và khoáng chất) (thông thường từ 20-22 loại) theo liều chỉ định trên “Hướng dẫn sử dụng sản phẩm” hoặc do bác sĩ chỉ định trong những trường hợp đặc biệt.
- Uống đủ nước
Uống nước nhiều lần trong ngày, đảm bảo cơ thể không bị khát. Lượng nước trung bình với người trưởng thành là 1500-2000ml/ngày. Ở trẻ em, tùy thuộc độ tuổi và trọng lượng cơ thể mà lượng nước yêu cầu khác nhau, nhưng mục tiêu là trẻ tiểu tiện nước trong, vàng nhạt.
- Các bước khi tiến hành xây dựng khẩu phần ăn hợp lý
Bước 1: Ấn định số năng lượng của độ tuổi tính bằng calo.
Bước 2: Lựa chọn cách cân đối calo thích hợp.
Bước 3: Chọn lên thực đơn 1 ngày hay 1 tuần; Chọn những thực phẩm ngon nhất; Màu sắc thực phẩm hấp dẫn kích thích thèm ăn, đồng thời đem lại giá trị dinh dưỡng (chọn nhiều thực phẩm kết hợp).
Bước 4: Lựa chọn thực phẩm: Dựa vào bảng thành phần hoá học cho 100g thức ăn ăn được, bảng lương thực được đề nghị sử dụng và bảng thực phẩm được tính sẵn ở bảng A, B, C, D; Các bảng giàu chất P, L, G, Vitamin và muối khoáng.
Bước 5: Bổ sung cho đạt năng lượng với đường và dầu mỡ.
4. Một số thực phẩm thông dụng hỗ trợ phòng cúm
Một số thực phẩm đã được khoa học chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút nói chung như hành, tỏi. Do đó khẩu phần ăn hàng ngày nên thêm hành, tỏi như một loại gia vị. Ngoài ra, một số thực phẩm giúp cơ thể ấm lên, hạn chế tiết dịch đường hô hấp do nhiễm lạnh như tía tô, kinh giới, gừng, hạt tiêu, ớt, xả, gừng cũng nên được sử dụng hàng ngày.