Theo Sở Công Thương, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ước tính khoảng 19.911 tỷ đồng, tăng 25% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra bình ổn. Các doanh nghiệp (DN), tiểu thương trên địa bàn đã chủ động dự trữ, cung ứng các mặt hàng phục vụ tết với nhiều mẫu mã, chủng loại và triển khai các chương trình bình ổn giá, khuyến mãi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Người dân đã bắt đầu mua sắm hàng tết.
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ tới UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các phòng, ban, đơn vị về thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường hàng hoá và tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, Sở đề nghị các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động bình ổn thị trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, như: tổ chức bán hàng Việt lưu động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chuẩn bị tốt nguồn hàng, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; chủ động dự trữ hàng hoá, góp phần bảo đảm bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh, ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh, đảm bảo không để khu dân cư, cụm dân cư, địa phương nào thiếu hụt hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện nay, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường; các DN, tiểu thương trên địa bàn đã chủ động dự trữ các mặt hàng Tết với nhiều mẫu mã, chủng loại; các chợ, siêu thị, cửa hàng bày bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong đó hàng hóa sản xuất trong nước chiếm thị phần chủ đạo.
Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce (thuộc tập đoàn Masan) có hệ thống 2 siêu thị WinMart tại TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và 100 cửa hàng WinMart+ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp cao điểm này, từ 2-3 tháng trước, doanh nghiệp đã tích cực hợp tác với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa. Sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và các tháng thường trong năm. Đặc biệt, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống vẫn luôn duy trì trên 90%; chú trọng vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng truyền thống dịp Tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối, bánh kẹo, nước uống,...
Về chương trình bình ổn giá, khuyến mại, bình ổn giá, theo đại diện đơn vị, sau chương trình khuyến mại “Khai tiệc tân niên - Vuông tròn vị Tết” diễn ra từ ngày 28/12/2023 - 10/1/2024, hệ thống siêu thị và cửa hàng tại Thanh Hóa triển khai chương trình “Trọn vị tết to - Không lo về giá” diễn ra từ ngày 11-24/1/2024 mang tới ưu đãi lên đến 50% cho người tiêu dùng khi mua sắm các mặt hàng thiết yếu dịp Tết.
Hình ảnh: Siêu thị Co.opmart Thanh Hoá chuẩn bị hàng hoá cho cao điểm mua sắm của năm.
Theo khảo sát của Sở Công Thương, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ước tính khoảng 19.911 tỷ đồng, tăng 25% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Lượng hàng hoá này dự tính sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá thu, cá trắm, tôm biển... và mặt hàng thực phẩm chế biến như: giò lụa, giò bò, chả bìa... sẽ tăng khoảng từ 10%-20% trong những ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao trong Nhân dân.