Năm 2023, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, 5/7 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, sự thay đổi về nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng xã phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao là một trong những điểm sáng trong thực hiện các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 54 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao, đạt 112,5% kế hoạch. Các địa phương được công nhận đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao đã có sự chuyển biến rõ nét trên 5 nhóm tiêu chí. Ông Lê Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn cho biết: "Chúng tôi cũng thường xuyên tăng cườngcông tác kiểm tra giám sát, giao cho các đồng chí cán bộ chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực này thường xuyên, hàng tuần, hàng ngày tăng cường vai trò giám sát. Cũng từ đó mà công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng tôi làm rất có hiệu quả".
Hình ảnh: Mô hình sản xuất rau an toàn
Bên cạnh chỉ tiêu xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao, nhiều chỉ tiêu khác cũng đạt và vượt như: xây dựng cơ sở giết mổ an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi; cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, nhận thức về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, cũng như người tiêu dùng đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng. Ông Thiều Khắc Nhuần, giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Happy Farm, xã Đông Tiến (Đông Sơn) cho biết: "HTX đã tăng cường hợp tác và liên kết sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap và sản phẩm sạch rau củ quả sạch, đảm bảo tăng cường đa dạng nguồn cung cấp đến các bếp ăn trường học, các nhà hàng khách sạn".
Để đạt được những kết quả trên, Thanh Hóa đã thực hiện phân bổ nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; bộ máy về quản lý an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và kiện toàn, phân công, phân cấp rõ ràng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện từ tỉnh đến, huyện, xã, thôn, xóm. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập trên 1.500 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, phát hiện trên 1.600 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Ông Hà Văn Giáp, quyền Chánh Văn phòng Điều phối Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định, Kế hoạch hành động thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ an toàn ngay từ đầu năm, để cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã, phường, thị trấn có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành đối với điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm".
Hình ảnh: Cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn
Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và mục tiêu cao hơn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2024.