Tủ lạnh có hai ngăn là ngăn đá và ngăn mát. Thực phẩm bỏ vào ngăn đá có thể đặt xuống nhiệt độ -100C, -120C, thậm chí có loại tủ lạnh có thể đạt đến -180C. Ở ngăn đá do nhiệt độ thấp nên việc ức chế vi sinh cao có thể bảo quản đồ ăn trong 1 tuần. Còn ở ngăn mát thực phẩm được giữ ở nhiệt độ từ 20C đến 120C, dùng cho bảo quản thực phẩm trong thời gian ngắn tầm khoảng 2-3 ngày cho các loại rau, củ quả.
Hình ảnh minh họa: Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều gia đình vì quá bận rộn hoặc giữ thói quen không tốt đó là tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh đến cả tháng, điều này là không nên vì trước hết nguồn cung thực phẩm hiện nay rất nhiều và có sẵn nên có thể mua và dùng ngay được, trong khi đó nếu bảo quản thực phẩm lâu trong tủ lạnh có thể làm giảm chất lượng, mất độ tươi, ngon. Mặc dù bảo quản trong điều kiện lạnh như vậy nhưng vẫn có những vi sinh vật phát triển gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe khiến người sử dụng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để việc sử dụng tủ lạnh bảo quản thực phẩm được hiệu quả và tươi ngon, Dưới đây là một số phương pháp bảo quản thực phẩm đông lạnh:
Sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh
- Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong, thực phẩm mua trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn đề ngày trên thực phẩm đông đá để tránh trường hợp dùng nhằm đồ để lâu.
- Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh lại không phải là ngăn nằm gần phần đông đá. Trái lại, mặt kính sát với ngăn rau củ là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn trên cùng là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ "mát" như sữa chua, bánh ngọt.
- Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào... trước khi cho vào ngăn này. Rau củ nên được bao bọc, nếu bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti thì tốt nhất.
- Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi tạm trú của các món ăn cần nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt. Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê với điều kiện là thực phẩm được bảo quản trong hộp, lon... đậy thật kín.
- Cần nhớ tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là những thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn được. Khi thực phẩm mua về cần được sơ chế trước khi cho vào tủ lạnh nhằm “làm sạch” thực phẩm và loại bỏ các phần dễ hư hỏng.
Bảo quản thực phẩm phân biệt sống – chín
- Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu chúng ta để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng "nhiễm chéo" vi sinh vật từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín. Do đó, thực phẩm cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín, không chỉ vì tránh “nhiễm chéo” thực phẩm, mà còn vì chất lượng - để tránh trường hợp thức ăn bị ướp mùi của món ăn khác.
- Các loại thực phẩm chín hoặc các món ăn chuẩn bị sẵn, bạn nên để thức ăn nguội hẳn mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.
- Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô... nên được bọc kín bằng giấy bạc. Lưu ý tương tự với một số rau quả dễ bốc mùi như đu đủ, hồng, bắp cải, củ hành...
- Không để thực phẩm quá lâu: Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Theo khuyến cáo, chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu.
Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh
- Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng lại ấy có mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn, cho nên phải lưu ý đến chế độ vệ sinh tủ lạnh. Việc thường xuyên dọn dẹp tủ lạnh sẽ hạn chế vi khuẩn cũng như mùi hôi phát sinh bên trong tủ, giúp thực phẩm được bảo vệ tốt hơn.
Rã đông đúng cách
- Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm kích thước lớn chúng ta nên làm sạch sau đó thái thành từng miếng vừa phải cho từng bữa ăn, bọc lại rồi mới bỏ vào trong tủ lạnh để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy.
- Khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng. Chúng ta nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Lời khuyên:
- Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tủ lạnh không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Hạn chế bảo quản nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, thực phẩm nên được mua, chế biến và sử dụng hết trong ngày.
- Thay đổi thói quen không tốt trong việc sử dụng tủ lạnh góp phần lớn trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong giai đoạn Tết Nguyên Đán sắp tới.