Theo nhận định của Sở Công Thương những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào thời điểm cuối năm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, cung ứng ra thị trường các loại thực phẩm chất lượng, đa dạng về chủng loại. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng mặt hàng thực phẩm trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hình ảnh: Cơ sở sản xuất nem nướng tại thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân
Theo báo cáo của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần Là đơn vị sản xuất và cung ứng trứng gà sạch, các sản phẩm rau, củ, quả cho hệ thống các siêu thị, chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng sản phẩm do đơn vị sản xuất thông qua nhiều kênh phân phối. Trên cơ sở phân tích thị trường, thói quen tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm, công ty nhận định, thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại rau an toàn, trứng của người dân tăng cao. Vì vậy, đơn vị đang liên tục thực hiện gối lứa sản xuất các loại rau. Đối với sản phẩm trứng gà, để có đủ nguồn hàng cung ứng cho dịp cuối năm, trong 2 tháng 7 và 8, công ty đã đưa lứa gà mới vào thả nuôi; đồng thời, liên tục nuôi gối lứa tại các trang trại, bảo đảm ngày nào cũng thu được lượng trứng lớn cung ứng ra thị trường. Được biết, hiện mỗi tháng công ty đang cung ứng khoảng 30.000 quả trứng gà và 20 tấn rau an toàn cho hệ thống Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa và chuỗi Siêu thị WinMart+ tại Thanh Hóa. Vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng cung ứng rau có thể tăng gấp 2 đến 3 lần, trứng tăng gấp 4 đến 5 lần.
Một trong những sản phẩm được tiêu thụ lớn những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán là nem và giò. Vào dịp này, người dân Thanh Hóa không những sử dụng nem, giò để làm cỗ, tiếp đãi khách, mà còn làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở nơi xa mỗi dịp tết đến xuân về. Vì vậy, lượng tiêu thụ có thể tăng cao gấp 10 lần so với thời điểm thông thường. Do đó, để bảo đảm nguyên liệu, thời điểm này, hầu hết các cơ sở sản xuất nem, giò trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm đến những trang trại chăn nuôi hoặc những lò mổ để đặt được nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng. Ông Đỗ Văn Vinh, chủ cơ sở sản xuất nem, giò Vinh Lài, thị trấn Thọ Xuân, cho biết: Vừa qua, 2 sản phẩm nem, giò Vinh Lài của gia đình tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ nem, giò của gia đình tăng cao gấp 4 đến 5 lần so với trước đây. Dự kiến vào dịp cuối năm, lượng sản xuất và tiêu thụ 2 sản phẩm này có thể tăng gấp 15 đến 20 lần so với thời điểm thông thường. Do đó, để có nguồn nguyên liệu sạch, từ thời điểm này, tôi đã liên hệ với các trang trại chăn nuôi lợn và lò mổ để ký kết và đặt cọc trước kinh phí mua nguyên liệu với thời gian cao điểm.
Bên cạnh các đơn vị sản xuất, các đơn vị kinh doanh, cung ứng thực phẩm đã và đang triển khai kế hoạch trữ hàng cho thị trường cuối năm. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là trước, trong Tết Nguyên đán, Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa đã lên kế hoạch dự trữ đối với tất cả các mặt hàng. Riêng đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm, siêu thị đã và đang liên kết, ký hợp đồng ghi nhớ với đơn vị cung ứng bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy trong mọi tình huống. Đồng thời, siêu thị dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến mại vào dịp tết để kích cầu tiêu dùng.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh vào những tháng cuối năm, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, khảo sát khả năng cung ứng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Vận động các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đa dạng mặt hàng, nguồn cung thực phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và xây dựng những phương án dự phòng trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng có văn bản chỉ đạo các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và bán lẻ hàng tiêu dùng trong tỉnh sẵn sàng tham gia tích trữ hàng hóa, thực hiện bình ổn thị trường với các nhóm mặt hàng chủ yếu, như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, thịt lợn, rau củ quả... Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.