Một số vấn đề căn bản nông sản Việt cần cải thiện để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế như đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Ngày 25/3, Viện Mekong (MI) tổ chức diễn đàn trực tuyến, một phần trong chuỗi các hoạt động thuộc Dự án PROSAFE với chuyên đề: “An toàn thực phẩm để tiếp cận thị trường: tăng cường nhu cầu quốc thế đối với nông sản Việt Nam” như điểm khởi đầu để mở rộng quy mô ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam dựa trên các bài học trong đại dịch.
Diễn đàn thu hút 50 đại diện tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực tư nhân và nhà nước từ các tỉnh, thành phố như Bến Tre, Long An, Bình Dương, TP.HCM.
Các đại biểu trình bày tham luận tại diễn đàn.
Bà Ratna Devi Nadarajian, chuyên gia Ban Phát triển thương mại hoá Nông nghiệp (ADC), Viện Mekong chia sẻ, đứng trước các khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, cử đại dịch COVID-19 trên toàn cầu trong suốt năm qua nhưng Việt Nam vẫn là một trong các trung tâm áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chính sách sản xuất an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm đảm bảo nền sản xuất bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam kiểm soát thành công ATTP cũng như cải cách hợp lý chính sách để tạo môi trường cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đây là động lực để MI tiếp tục tổ chức các chương trình góp phần nâng cao năng lực nhân lực, tăng cường giá trị cộng thêm để vụ mùa bán được giá cao hơn, sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững.
Theo ThS Nguyễn Đức Bình, giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEPC) - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI-HCMC), tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 26.000 HTX được thành lập mới. Hơn 90% ngành hàng nông sản ở Việt Nam và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME). Nhưng tổng quan năm 2020, ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt 2,68%, cao hơn 2019 là 2,01%. Tổng giá trị xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 2020 đạt 41,36 tỷ USD, tăng 2,9%.
TS Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1 (Agrotrade) nhấn mạnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng họ bị hạn chế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực cần thiết để tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản.
Ông Tú cũng nhấn mạnh một số vấn đề căn bản nông sản Việt cần cải thiện để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế như đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm; tăng đầu tư công nghệ đều sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi vận chuyển...
Ngoài ra, kinh doanh nông sản được qui định bởi các tiêu chuẩn, yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS). Các bên liên quan đến thương mại thực phẩm nông sản, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, cần tăng cường năng lực SPS của họ để hỗ trợ lẫn nhau nhằm tăng doanh thu từ thương mại nông sản. Các doanh nghiệp nông sản cần biết cách điều chỉnh nhiều biện pháp phi thuế quan (NTM) khi tìm cách tiếp cận thị trường quốc tế vì SPS là một dạng của NTM.
Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc cung cấp các sản phẩm nông sản cho thị trường và người tiêu dùng, cả trong và ngoài nước. Do đó, các doanh nghiệp thực phẩm nông sản vừa và nhỏ cần phải xem xét lại chiến lược tìm nguồn cung ứng, hợp lý hóa phạm vi sản phẩm và đánh giá khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng như các kênh phân phối để tiếp cận các thị trường hiện có và thị trường mới trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay.
Nói về điều này, sau khi giới thiệu các kênh kinh doanh điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại (INTEC), Cục Xúc tiến thương mại VN (VietTrade) nhấn mạnh, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức các khoá học cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và những hỗ trợ cần thiết khác về xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu cho các doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các SMEs và các doanh nghiệp cực nhỏ với nhiều chính sách ưu đãi.
Nguồn: nongsanviet.nongnghiep.vn