Huyện Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa có nhiều vùng trũng, nước sâu là môi trường thuận lợi cho loại tép riu sinh sống, nhất là ở vùng nước có nhiều rong rêu.
Tép riu đánh về được nhặt sạch rong rêu, cá tạp, rửa sạch để ráo nước. Sau đó mang ướp tép riu với tỷ lệ 10 bát tép, 4 bát muối và 2 bát thính (gạo rang giã nhỏ), trộn đều đến khi con tép đỏ lên.
Sau đó cho hỗn hợp tép riu đã trộn vào chum sành, đổ nước săm sắp và đậy kín, ủ trong thời gian 1 – 2 tháng là sử dụng được.
Tuy nhiên, mắm tép sau 6 tháng sẽ ngon nhất. Vì thế công đoạn làm mắm tép không dễ, nhất là dụng cụ chum hoặc vại sành được chọn kỹ càng.
Thường trước khi ăn, mắm tép được chưng qua hành mỡ hoặc băm một ít thịt ba chỉ chưng cùng với mắm tép trở thành món ăn độc đáo và cực kỳ hấp dẫn.
Các cụ trong làng kể lại mắm tép Hà Yên (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) có từ lâu, nhiều nhất vẫn là làng Đình Trung.
Làng nằm ven con sông Hoạt, xung quanh là những cánh đồng mênh mông nước nên thường vào tháng 11 – 12 âm lịch cả làng lại kéo nhau ra đồng đánh tép.
Được biết, năm 2016 mắm tép này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Đến năm 2018, xã Yên Dương (sáp nhập từ 2 xã Hà Yên và Hà Dương) đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh mắm tép do phụ nữ làm chủ với 20 thành viên tham gia.
Các thành viên đã được tập huấn, trang bị kỹ thuật, quy trình chế biến mắm tép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời các thành viên được vay vốn với lãi suất thấp, tạo thêm việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề mắm tép Hà Yên với thương hiệu “Mắm tép tiến vua” đã có, rất cần sự đầu tư bài bản cho làng nghề, nhất là bảo đảm nguồn nước ở các sông, đồng trũng không bị ô nhiễm…